04:22 08/04/2012

Đòn trả đũa sau trận Trân Châu Cảng-Kỳ 2: Đột kích từ hướng biển

Trong rất nhiều phương án được đưa ra, người Mỹ đã lựa chọn những chiếc B-25 Mitchell để không kích vào Tôkyô với một số điều chỉnh về thiết kế cũng như những loại vũ khí mà những chiếc máy bay này mang theo…

Trong rất nhiều phương án được đưa ra, người Mỹ đã lựa chọn những chiếc B-25 Mitchell để không kích vào Tôkyô với một số điều chỉnh về thiết kế cũng như những loại vũ khí mà những chiếc máy bay này mang theo…

Những quả bom được sử dụng trong chiến dịch.


Trong một cuộc thảo luận về kế hoạch đổ quân lên Bắc Phi, Đô đốc Ernest King, Tham mưu trưởng hải quân, đề xuất sử dụng các tàu sân bay vận chuyển số lượng lớn các máy bay chiến đấu. Tướng Arnold góp ý thêm: “Chúng ta sẽ phải thử cho các máy bay ném bom cất cánh từ các tàu sân bay. Đây là điều chưa có tiền lệ nhưng chúng ta phải thử nghiệm…”.

Khoảng một tuần sau, Đại úy Francis Low, một sĩ quan tàu ngầm thuộc bộ phận tham mưu của Đô đốc King, đề nghị được gặp chỉ huy của anh. Buổi sáng hôm đó, trong khi đang ở thành phố Norfolk, bang Virginia để tiến hành kiểm tra hoạt động của tàu sân bay mới nhất của hải quân, tàu sân bay Hornet, Low đã nảy ra một ý tưởng. Lúc đang đợi máy bay hạ cánh xuống Oasinhtơn, Low nhìn bâng quơ ra ngoài cửa sổ và trông thấy hình vẽ một tàu sân bay được sơn trên đường băng. Các phi công của hải quân thường sử dụng những hình vẽ như vậy để luyện tập cất và hạ cánh mà không sợ phải hạ cánh xuống nước. Nhưng khi Low đang chăm chú quan sát, anh trông thấy hai chiếc máy bay chiến đấu đang bay bên trên mô hình đó. “Nếu Lục quân có một số máy bay với tầm bay xa hơn các máy bay hoạt động trên tàu sân bay của chúng ta và chúng có thể cất cánh từ boong của tàu sân bay”, anh nói với King, “với tôi dường như chỉ một số ít máy bay có thể đưa lên một tàu sân bay và sử dụng để oanh kích Nhật Bản”.

Trong thực tế, các máy bay ném bom của Lục quân không bao giờ có thể hạ cánh được xuống một tàu sân bay. Chúng hạ cánh với tốc độ rất nhanh, bởi vậy không phù hợp đường băng ngắn trên tàu sân bay. Ngoài ra, đuôi của chúng quá yếu để có thể chịu được độ nảy của một cú hạ cánh đột ngột như vậy. Cuối cùng, do máy bay cách mặt đất khá cao nên người ta không thể gắn các móc hãm tốc độ. Tuy nhiên, dường như các máy bay ném bom không phải không thể cất cánh được từ tàu sân bay. Liệu các phi công có thể tiến hành nhiệm vụ, sau đó bay trở lại tàu sân bay, hạ cánh khẩn cấp và được đưa lên boong tàu? Phương án đó dường như là một sự lãng phí máy bay. Liệu các máy bay có thể ném bom Tôkyô rồi sau đó tiếp tục bay và hạ cánh trên đất Nga? Stalin nói không. Hay Trung Quốc? Tưởng Giới Thạch đáp có thể. Tất cả các giải pháp dường như là một sự cầu may, nhưng kế hoạch cuối này dường như hợp lý hơn cả. Bởi vì tàu sân bay Hornet theo kế hoạch sẽ đi vòng sang bờ biển phía tây nên nó chính thức trở thành tàu sân bay tham gia trận đột kích Doolittle.

Máy bay B-25 Mitchell cất cánh từ tàu sân bay.

 

Ban đầu Mỹ lựa chọn hai máy bay ném bom tầm trung B-23 Dragon và B-26 Marauder để thực hiện nhiệm vụ này. Nhưng máy bay B-23, một phiên bản cải tiến của máy bay B-18 Bolo, sẽ không thích hợp cho việc cất cánh từ tàu sân bay do sải cánh rộng hơn 28 m. Còn máy bay B-26 sẽ không thể cất cánh được trước khi nó chạy hết đoạn đường băng trên boong tàu sân bay Hornet.

Điều đó khiến sự lựa chọn cuối cùng được đặt vào loại máy bay ném bom tầm trung hai động cơ B-25 Mitchell, một trong số ít máy bay quân sự của Mỹ được đặt theo tên của một người. Các máy bay B-25 có thể bay đến Nhật Bản và bay về một cách an toàn, nhưng chúng cũng cần phải được thay đổi một số chi tiết. Trong đó, ba thùng xăng phụ phải được tăng dung tích gần gấp đôi, lên 4.313 lít. Một thùng xăng thế chỗ vị trí tháp pháo nằm ở dưới bụng máy bay. Các khẩu pháo cỡ nòng 50 mm ở phía sau máy bay cũng được thay thế bằng hai đoạn gỗ được sơn màu đen. Những chiếc máy vô tuyến có trọng lượng 104 kg cũng được gỡ ra; chúng không được sử dụng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ này. Số phận tương tự cũng dành cho thiết bị ngắm Norden tuyệt mật sử dụng khi ném bom. Không ai muốn chúng rơi vào tay quân Nhật. Các máy bay ném bom từ độ cao 457 m sẽ sử dụng một loại thiết bị ngắm có biệt danh “Mark Twain”, do phi công Charles Greening điều khiển máy bay số 11 chế tạo.

Phi đội ném bom số 17, đóng quân ở căn cứ Pendleton ở bang Oregon, làm nhiệm vụ tuần tra chống ngầm ở ngoài khơi bờ biển phía tây nước Mỹ, có trách nhiệm cung cấp 24 máy bay B-25 cùng phi công để tiến hành trận đột kích. Các phi công của Lục quân đã quen với việc cất cánh trên đường băng dài 304 m với vận tốc hơn 160 km/h. Khi Henry Miller, giáo viên dạy lái máy bay của Hải quân, nói rằng họ phải thực hiện được việc đó trên đoạn đường băng chỉ khoảng 150 m, với vận tốc chỉ bằng nửa vận tốc đó, họ nghĩ điều này là không thể. Ban đầu, không ai trong số họ có thể cất cánh được ở khoảng cách dưới 243 m, nhưng rồi các khoảng cách được rút ngắn dần. Phi công Don Smith lái máy bay số 15 đạt kỷ lục của nhóm, đưa máy bay cất cánh khỏi mặt đất chỉ sau một quãng đường dài 87 m.


Đình Vũ (tổng hợp)

Đón xem kỳ tới: Ba mươi giây trên bầu trời Tôkyô