04:05 05/04/2019

Dọn rác từ  trong suy nghĩ

Trong chuyến đi đảo Lý Sơn gần đây, chúng tôi hồ hởi khi được những người bản địa giới thiệu về bãi san hô còn nguyên sơ đẹp nhất trên đảo. Thế nhưng khi trực tiếp lặn xuống, những gì chúng tôi chứng kiến hoàn toàn khác với những hình dung trước đó. Đáy biển trơ trọi với những mảng san hô chết, dù giữa lòng đại dương, nhưng họa hoằn lắm mới thấy vài con cá nhỏ bơi lội. Dọc bờ và cả trên những khối đá núi lửa hình thù kì quái vướng đầy rác. Túi nylon, hộp nhựa, áo mưa, vải bạt và vô số những loại rác khó phân hủy khác nằm vương vãi khắp nơi.

Đại dương bao la giờ đang là túi chứa rác khổng lồ của con người, đi kèm với đó là môi trường sống ngày càng bị hủy diệt. Thống kê cho thấy, có khoảng 10 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm và có khoảng 50% số rùa biển con được sinh ra đã chết vì dạ dày chứa đầy rác thải nhựa.

Liên tục nhiều năm qua, những con cá voi, cá nhà táng chết dạt vào bờ, đa phần trong dạ dày chứa đầy rác thải nhựa. Gần đây nhất là con cá voi dạt vào Mindanao, Philippines. Sau khi mổ bụng, các nhà sinh vật phát hiện  có 40kg túi bao gồm túi bao bố đựng gạo, túi mua thực phẩm ở siêu thị, túi bọc quả ở các trang trại trồng chuối và nhiều loại rác sinh hoạt khác đã khiến chú cá voi chết thảm thương vì không thể tiêu hóa…

Có thể chúng ta không trực tiếp ném rác xuống biển, nhưng chắc hẳn trong số những cái túi rác dưới lòng đại dương và vô số những chất thải gây ô nhiễm đang hàng ngày hủy hoại môi trường sống có cả những túi rác do chính tay tôi và các bạn đã ném bừa đâu đó… Những lần “tiện tay” ném rác như vậy chắc hẳn cũng không ít trong đời mỗi người, nhưng liệu bạn đã tự tay nhặt rác (không phải của mình) được bao nhiêu lần?

Bản thân tôi tin rằng, không phải những người hay ném rác mà ít khi nhặt rác là những người thiếu hiểu biết hay kém đạo đức mà là thói quen. Người Việt ném rác như một thói quen. Những túi rác bay từ tầng trên xuống tầng dưới, bay từ tầng dưới xuống … đầu người đi đường, những túi rác bay từ nhà mình qua nhà hàng xóm, bay từ nhà hàng xóm ra ngõ, ra đường phố, ra kênh rạch, sông suối, ao, hồ… đều từ một nếp nghĩ, rác ra khỏi tay mình, nhà mình là … hết trách nhiệm.

Cách nghĩ đó cần được thay đổi vì “ngay xưa đất rộng người thưa”, rác chưa đủ sức tấn công vào đời sống con người, những hệ lụy từ rác thải chưa rõ ràng, nhưng suy nghĩ rác tiện đâu vứt đó lại ăn quá sâu vào tâm trí và cách hành xử của người Việt.

 Nó ăn sâu đến mức, khi xuất hiện những “ông Tây” vì thấy xót xa mà tự nguyện đi dọn rác do người Việt thải ra ở kênh rạch, ao hồ, bãi biển… thì chính người Việt cũng thấy lạ lẫm. Thậm chí còn có những địa phương, chính quyền đứng ra ngăn cản không cho họ dọn rác vì sợ… mà thực ra là không biết đang sợ điều gì mà chỉ vì lạ quá! Vì vậy, câu chuyện dọn rác phải bắt đầu từ việc dọn “rác” trong chính suy nghĩ và trong ý thức của mỗi người.

Chúng ta có thể tự hào nhiều điều về những giá trị truyền thống của người Việt, nhưng rõ ràng, trong việc ứng xử với môi trường, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận chúng ta còn kém văn minh. Điều đáng mừng là những cư xử văn minh kiểu như những “ông Tây” đi dọn rác đã bắt đầu tạo ra được những ảnh hưởng trong nhận thức của người Việt, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Trào lưu “thách thức để thay đổi” “Việt Nam nói là làm” trên mạng xã hội gần đây không còn là những thách đố mang tính bốc đồng như nhảy sông, đốt xe… mà là thách thức nhau dọn rác. Nhiều nhóm bạn trẻ đã hưởng ứng, tham gia trào lưu này, nhiều bãi rác “lưu niên” ở những nơi công cộng, những điểm du lịch đã được dọn sạch rác, mang lại một diện mạo mới cả trong không gian thực tế lẫn trong ý thức, suy nghĩ mỗi người.

Trào lưu dọn rác không còn giới hạn trong sự tự phát, thách thức của các bạn trẻ mà đã lan sang nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể, bệnh viện, trường học… Nhiều siêu thị đã bắt đầu dùng lá chuối để gói hàng thay cho bao ny lon, nhiều bạn trẻ đã thu gom pin mang đi tiêu hủy… đó quả thực là sự thay đổi tích cực trong ý thức xã hội của người Việt.

Tuy nhiên, muốn có một sự thay đổi toàn diện và lâu dài, việc này đòi hỏi phải có những quy định và chế tài rõ ràng, nghiêm khắc từ phía những ngành chức năng. Đó phải là câu chuyện phân loại rác thải từ nguồn và xử phạt nghiêm hành vi xả rác không đúng nơi quy định, đó là việc hạn chế sử dụng túi ny lon, hạn chế việc thải ra môi trường chất thải nguy hại... Ý thức tự giác cần phải được xây dựng trên nền tảng những quy định nghiêm khắc của pháp luật, từ đó mới có thể hình thành ý thức xã hội một cách bền vững.

Lê Hiền