09:00 21/09/2012

Dồn lực thu ngân sách nhà nước những tháng cuối năm

Theo người phát ngôn của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 8/2012 ước đạt 45.020 tỷ đồng, lũy kế thu 8 tháng năm 2012 đạt 447.000 tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Theo người phát ngôn của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 8/2012 ước đạt 45.020 tỷ đồng, lũy kế thu 8 tháng năm 2012 đạt 447.000 tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm 2011. Có ý kiến cho rằng: Nếu so với nhiệm vụ thu NSNN năm 2012 là 581.600 tỷ đồng trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn thì kết quả này cũng là nỗ lực của ngành thuế.

 

Cân đối nguồn thu, cứu DN để giảm tải gánh nợ thuế


Ngay từ đầu năm, ngành thuế đã xác định, để phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu NSNN năm 2012 là một điều không dễ dàng do khó khăn chung của nền kinh tế. Không chỉ vậy, ngành thuế còn phải triển khai nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ thị trường theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; tiếp tục thực hiện chính sách hoàn thuế để hỗ trợ về vốn giúp doanh nghiệp xoay vòng vốn kịp thời cho sản xuất, kinh doanh.


 

Bộ phận kho quỹ Kho bạc Nhà nước quận Đống Đa (Hà Nội) thu thuế nhà đất. Ảnh: Minh Tú – TTXVN

 

Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tốc độ tăng GDP sẽ thấp hơn mức dự kiến cả năm là 6 - 6,5%; khối doanh nghiệp (đóng góp trên 74% tổng thu nội địa) đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào như: Lãi suất, tỷ giá, giá nguyên nhiên vật liệu... tăng cao. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng khó tiếp cận được nguồn vốn vay, đầu ra tiêu thụ chậm, sản xuất đình đốn. Cụ thể: Chỉ số phát triển công nghiệp 8 tháng đầu năm chỉ tăng 4,7%, thấp nhất trong nhiều năm nay; chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm 1/8 tăng 20,8%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến thời điểm 20/8 giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2011; nhập siêu 8 tháng bằng 0,08% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu; thị trường bất động sản đóng băng kéo theo nhiều ngành sản xuất gặp khó khăn... Thực tế trên đã tác động lớn đến việc thu thuế cho NSNN.


Đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ: Để bù đắp số thu NSNN bị thiếu hụt so với các năm trước, công tác quản lý thu, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế đã được ngành đặc biệt chú trọng. Tính đến nay, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra được 44,1% số lượng doanh nghiệp so với kế hoạch, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2011; tổng số thuế truy thu, phạt, truy hoàn tăng 75% so với cùng kỳ; số thuế đã nộp vào NSNN đạt 46,6% số kiến nghị truy thu sau thanh tra, kiểm tra...


Theo ông Nam, với những cố gắng trên, kết quả thu nội địa 8 tháng năm 2012 ước đạt 61,5% dự toán và bằng 100,1% so với cùng kỳ. Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng: Đây là kết quả thu phù hợp với tốc độ tăng trưởng (GDP) của nền kinh tế những tháng đầu năm và là tín hiệu tích cực, đáng ghi nhận, tạo cơ sở để ngành thuế thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị những tháng cuối năm và cả năm 2012.


Tuy nhiên, chặng đường thu thuế còn rất nhiều chông gai vì các doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một số chuyên gia kinh tế cho hay: Để thực hiện tốt nhiệm vụ thu thuế năm nay thì vẫn phải tiếp tục “cứu” doanh nghiệp, ưu tiên kích cầu thì mới giảm bớt gánh nặng nợ thuế.


Đại diện một chi cục thuế tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho hay: Năm nay, chỉ những đơn vị hoạt động mang tính đặc thù mới có khả năng nộp ngân sách vượt kế hoạch, còn với những đơn vị phụ thuộc vào vốn vay thì rất lao đao. Số nợ thuế của doanh nghiệp tính chung trên địa bàn TP.HCM đến nay là hơn 6.000 tỷ đồng. Theo Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là chi phí đầu vào tăng liên tục nhưng giá sản phẩm lại giảm dần do sức mua trong dân không tăng khiến hàng tồn kho nhiều.


Để tháo gỡ vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng: Cần có biện pháp hỗ trợ hữu hiệu cho người dân ngoại thành; tiến hành mua dự trữ hàng hóa để ổn định giá cho nông dân. TP.HCM cũng cần phát động và triển khai sâu rộng việc liên kết, sử dụng sản phẩm giữa các doanh nghiệp, vừa giải quyết được hàng tồn kho vừa ổn định giá hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp, cần cơ cấu lại về lượng hàng tồn kho, từ đó có chính sách về giá phù hợp nhằm kích cầu tiêu dùng.

 

Từ chối khoản chi sai


Chỉ đạo về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2012, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung rà soát, nắm chắc các nguồn thu và đối tượng thu nộp ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế.


Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan phải tăng cường quản lý chi NSNN, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả; nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên; rà soát, sắp xếp lại, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, xăng dầu, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước...


Theo Kho bạc Nhà nước, 8 tháng năm 2012, toàn hệ thống đã phát hiện trên 35.800 khoản chi của 16.400 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định với tổng số tiền chưa thanh toán lên tới 411 tỷ đồng. Cũng tính tới hết tháng 8/2012, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát ước đạt 295.000 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN. Riêng tháng 8, thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách, các đơn vị của Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 4.500 khoản chi của 2.200 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục. Qua đó, Kho bạc Nhà nước đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 40 tỷ đồng chưa đủ điều kiện.


Tính đến hết tháng 8/2012, số vốn xây dựng cơ bản giải ngân kho bạc là 129.700 tỷ đồng, đạt 60,7% so với kế hoạch. Tuy vậy, qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, các đơn vị của Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán khoảng 55 tỷ đồng.

Hạnh Quỳnh