08:08 07/08/2014

Dọn dẹp “rác trời”

Do thiếu quản lý nên thời gian qua, nhiều đường dây cáp thông tin giăng mắc tràn lan trên nhiều tuyến phố... Để bảo đảm mỹ quan đô thị, sau khi triển khai làm thí điểm sắp xếp, thanh thải đường dây cáp thông tin ở 13 tuyến phố, Hà Nội sẽ triển khai nhân rộng các quận, huyện.

Do thiếu quản lý nên thời gian qua, nhiều đường dây cáp thông tin giăng mắc tràn lan trên nhiều tuyến phố, trong đó nhiều đường cáp không sử dụng trông như “mạng nhện” giữa phố. Để bảo đảm mỹ quan đô thị, sau khi triển khai làm thí điểm sắp xếp, thanh thải đường dây cáp thông tin ở 13 tuyến phố, Hà Nội sẽ triển khai nhân rộng các quận, huyện.


Thiếu quản lý


Dễ bắt gặp ở các quận nội thành các loại dây cáp điện, thông tin, viễn thông treo chằng chịt trên các cột điện, cột đèn chiếu sáng như "mạng nhện", “rác trời”. Tình trạng này lan từ tuyến phố chính rồi tràn vào các ngõ ngách, khu dân cư gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, cháy nổ, nhất là trong mùa mưa bão... Trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp xảy ra chập cháy, thậm chí bị thương tật vì dây cáp, dây thông tin, dây điện rơi, võng xuống giăng ngang đường.

 

Cắt bỏ, bó gọn dây, cáp trên tuyến phố.


Không chỉ vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông còn ngang nhiên để lại cả cuộn dây cáp to ở cột điện để lần sau kéo tiếp làm tăng “gánh nặng” cho cột điện, cột đèn, gián tiếp gây ra sự mất an toàn do nhiều cột không được thiết kế chịu tải đối với các đường dây đi nổi.


Sở Xây dựng chủ trì sắp xếp lại đường dây đi nổi tại 13 tuyến phố: Ngã Tư Sở - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng, Trường Chinh - Láng - Tây Sơn, Trần Quang Khải, tuyến đê Yên Phụ, Xã Đàn, Hoàng Đạo Thúy, Quang Trung, Đào Duy Anh, Nam Cao, Cát Linh, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ và Trần Quang Khải.

Theo thống kê của Công ty TNHH Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 6.332 cột đèn trên 273 tuyến phố trong tình trạng nhiều loại dây đeo bám. Đơn vị lên kế hoạch thực hiện tháo gỡ, bó dây, trong đó ưu tiên các tuyến trung tâm khu vực nội đô. Ngoài ra, tiến hành thay thế các cột đèn chiếu sáng có đường dây đeo bám làm cong, nghiêng. Theo khảo sát, có tới 70 - 80% dây cáp thừa, cũ hỏng treo bám trên cột và cần được cắt bỏ.

 

Dây điện như mạng nhện ngoài phố và trong ngõ.


Để hạ ngầm những đường xây giăng như “mạng nhện” giữa phố, trong quá trình mở rộng hoặc chỉnh trang một số tuyến đường, Hà Nội đã xây dựng hệ thống tuy-nen ngầm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng chịu đầu tư luồn dây xuống hệ thống ngầm này mà cố tình kéo dây, cáp qua cột điện, cây xanh để giảm chi phí. Từ đó cho thấy, nếu cơ quan quản lý nhà nước và địa phương không vào cuộc quyết liệt, sự an toàn của người dân vẫn bị đe dọa, bộ mặt độ thị sẽ tiếp tục “nhếch nhác”…


Ông Vũ Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc
EVN Hà Nội:

Sẽ tiếp tục hạ ngầm đường dây hạ thế

Hiện nay, lưới điện trung áp trong khu vực nội thành Hà Nội đã được hạ ngầm 100%. Lưới điện hạ áp tại một số tuyến phố chính đã được hạ ngầm theo quy định của thành phố. Quá trình hạ ngầm bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn của ngành điện, không ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao thông đi lại của người dân. Còn những tuyến đi nổi sẽ sắp xếp, đi gọn bảo đảm mỹ quan đô thị. Để chỉnh trang đô thị trong năm 2014, Hà Nội sẽ chỉnh trang đường dây đi nổi, EVN dự kiến sẽ bó lại 120 km đường dây hạ thế.

Ông Hà Văn Lũng, Phó Chủ tịch UB MTTQ phường Đội Cấn:

Có chế tài đối với nhà mạng vi phạm

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, khi chuyển đổi các mạng viễn thông, Internet cho các hộ dân nơi đây, các đơn vị cung cấp dịch vụ thường không thu hồi đoạn dây không còn sử dụng vì sẽ tốn công, tốn nhân lực. Trong khi dịch vụ này phát triển ở đô thị, việc thay đổi thường xuyên nhà cung cấp dịch vụ Internet nhưng không thu hồi đường dây cũ đã hình thành các “mạng nhện”, “rác trời” rất nhiều trên tuyến phố chính và ngõ ngách. Do đó, thành phố cần có chế tài mạnh trong việc cấp phép chăng dây cũng như trách nhiệm thu hồi đường dây không sử dụng. Thực tế, có thể so sánh giữa hai tuyến phố Đội Cấn dây chằng chịt; trong khi phố Văn Cao có hệ thống tuynen đi ngầm cho các đường dây tạo khung cảnh phố phường sạch đẹp, văn minh.

Trước khi làm thí điểm tại 13 tuyến phố, UBND TP Hà Nội đã họp và thống nhất với các doanh nghiệp sở hữu các tuyến dây, cáp thông tin phải tự sắp xếp lại đường dây còn hoạt động, đánh dấu ký hiệu và treo mới tại vị trí theo quy định. Sở Xây dựng đã làm việc và có công văn tới 27 đơn vị quản lý đường dây đi nổi nhưng khi triển khai vẫn có 2 doanh nghiệp viễn thông, 1 nhà đài bị cắt nhầm cáp.


“Đi cáp mất một tuần, nhưng cắt cáp thì chỉ cần một tiếng. Việc cắt nhầm dây cáp ảnh hưởng đến nhiều thuê bao của khách hàng”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị cho biết, khi triển khai chỉ một số đơn vị cử người tham gia việc dọn dẹp “rác trời”, còn phần nhiều doanh nghiệp làm theo kiểu đối phó. Tại phố Nguyễn Công Trứ, nhiều đường dây thông tin lẫn lộn cả sợi đang sử dụng và không còn hoạt động gây khó khăn cho lực lượng chức năng, để rồi đơn vị thực hiện buộc phải tháo ra để loại thải cáp hỏng.


Kiên quyết xử lý vi phạm


Thực tế cho thấy, sau khi thải loại, bó gọn, cảnh quan trông phong quang hơn nhưng vấn đề mà nhiều người dân quan tâm là làm sao để chống tái phạm tình trạng treo dây tại các tuyến phố. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng: "Các đơn vị quản lý cột điện đã buông lỏng quản lý dẫn đến việc các đơn vị có đường dây thích chăng, mắc như thế nào tùy ý. Điều này tạo ra vô số "rác trời" trên các tuyến phố”.


Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, rất nhiều dây, cáp bị treo không đúng kỹ thuật, chồng chéo, không bảo đảm khoảng cách an toàn, không có dấu hiệu nhận biết. Có đơn vị cứ có cột là treo, tận dụng cả cột chiếu sáng để treo dây, treo cáp. Đặc biệt, rất nhiều dây thừa, cáp thừa, không sử dụng. Có tuyến phố, trong hàng chục đường dây, đường cáp thì chỉ có một vài sợi có tín hiệu, còn lại không sử dụng, nhưng doanh nghiệp không dọn dẹp hay cắt bỏ. Sở Xây dựng đã thông báo để đơn vị có kế hoạch tự kiểm tra đường dây, tự thanh lọc trước và cho người phối hợp tại hiện trường trong thời gian triển khai để tránh trường hợp bị gián đoạn thông tin khi thanh thải, sắp xếp.


Đại diện Công ty Điện lực Đống Đa, Ba Đình phản ánh: “Năm nào cũng bó gọn đường dây, nhưng làm không xuể bởi các đơn vị quản lý đường dây chăng mắc trên cột vô tội vạ. Cụ thể, trên phố Xã Đàn, theo quy định một đơn vị chỉ được phép chạy 3 sợi cáp trên cột, nhưng có đơn vị viễn thông đã chạy tới 25 - 30 sợi cáp. Đến khi kiểm tra để cắt bỏ đường dây cũ không sử dụng đơn vị viễn thông không chỉ ra được đâu là đường dây không còn sử dụng”.


Để chấm dứt tình trạng này, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đề nghị thành phố có chế tài xử phạt nặng đối với những đơn vị cố tình vi phạm tại các tuyến phố đã được sắp xếp đường dây.


Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng quy định xử phạt đã có, cái chính là ngành điện thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Đồng thời, yêu cầu Công an TP chỉ đạo công an các địa phương theo dõi xử lý điểm đối với những đơn vị treo dây không phép.


Lãnh đạo TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Điện lực Hà Nội là cơ quan đầu mối quản lý các cột điện, đèn chiếu sáng và có trách nhiệm kiểm tra, xử lý không để các đơn vị có đường dây treo tùy tiện lên cột. Chỉ đơn vị nào được Sở Thông tin Truyền thông (TT&TT) cấp phép mới được đi dây trên cột. Sở TT&TT phải quản chặt việc cấp phép đi dây trên cột bảo đảm theo đúng quy định hiện hành.


Việc dọn dẹp “rác trời” và sắp xếp lại đường dây đi nổi được thành phố quyết tâm triển khai dứt điểm trong "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" nhưng để chống tái phạm cần sự phối hợp và kiên quyết của các đơn vị hữu quan và các quận, huyện.

 

Xuân Minh - Kiều Nga