07:11 20/07/2025

Đón đầu nâng hạng thị trường, khối ngoại 'rót' ròng 13.500 tỷ đồng trong 3 tuần tháng 7

Sau hơn một năm bán ròng liên tiếp, khối nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô mua ròng ấn tượng. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 18/7, khối ngoại đã mua ròng khoảng 13.500 tỷ đồng chỉ trong 3 tuần giao dịch của tháng 7.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Từ chuỗi bán ròng kéo dài đến mua ròng mạnh

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, khối ngoại bán ròng khoảng 41.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD), nối dài xu hướng rút vốn đã kéo dài từ năm 2023 với đỉnh điểm là chuỗi 15 tháng bán ròng liên tiếp. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5, lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài đã chững lại và đến tháng 7, dòng tiền ngoại đã có dấu hiệu đảo chiều mạnh.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Phó Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) nhận định, đây không phải là một sự đảo chiều ngẫu nhiên, mà xuất phát từ ba yếu tố nền tảng.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh trở lại. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2025 tăng 7,96%, mức cao nhất kể từ năm 2022. Chính sách tài khóa mở rộng, miễn giảm thuế phí, thúc đẩy đầu tư công và lãi suất điều hành ổn định ở mức thấp đã tạo nền tảng vĩ mô hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể vượt mục tiêu 16%, và vốn FDI đăng ký riêng tháng 6 đạt gần 6 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ hai, kỳ vọng nâng hạng thị trường đang trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Khối ngoại được cho là đang mua ròng đón đầu khả năng chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng từ cận biên lên mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 10/2025. Điều kiện kỹ thuật quan trọng như cơ chế không bắt buộc thanh toán trước (non-prefunding) đang từng bước được hoàn thiện.

Thứ ba, bối cảnh quốc tế đang tạo điều kiện cho các quỹ chủ động và ETF lớn tìm kiếm cơ hội tại những thị trường có định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng cao như Việt Nam.

Theo ASEANSC, đà mua ròng của khối ngoại đang tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần củng cố niềm tin nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang bứt phá mạnh mẽ. VN-Index đã lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm sau hơn 3 năm, giữa không khí sôi động đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong các kịch bản được dự báo, nếu Việt Nam được nâng hạng thị trường chứng khoán, hàng tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp có thể đổ vào thị trường thông qua các quỹ theo chỉ số và dòng vốn chủ động từ các tổ chức quốc tế. Thậm chí, làn sóng vốn này có thể đến sớm hơn thời điểm nâng hạng chính thức, giúp thúc đẩy thanh khoản, kích thích hoạt động IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) và niêm yết mới, bổ sung hàng hóa chất lượng cho thị trường.

Tín hiệu tích cực về nâng hạng thị trường càng rõ nét hơn khi trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ chiều 17/7, ông Gerald Toledano - Thành viên Ban Điều hành, Giám đốc mảng cổ phiếu và tài sản đa dạng toàn cầu của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell - đã bày tỏ sự đánh giá cao những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển thị trường tài chính.

Đại diện FTSE Russell ghi nhận nỗ lực nghiên cứu và triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) - yếu tố then chốt trong tiêu chí nâng hạng. Ông Toledano nhấn mạnh thị trường chứng khoán Việt Nam có tính thanh khoản lớn nhất ASEAN, vượt cả Thái Lan và Singapore - một điểm cộng rất lớn trong đánh giá nâng hạng.

Tại cuộc làm việc cùng ngày với FTSE Russell, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định mục tiêu nâng hạng không chỉ là một tiêu chí kỹ thuật, mà là hệ quả tất yếu của cải cách thể chế và hội nhập quốc tế. Bộ Tài chính cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao năng lực vận hành, hướng tới phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả và bền vững.

Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán đang ở trong trạng thái sôi động nhất kể từ khi thành lập. Tuần qua, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đạt kỷ lục, dẫn đầu khu vực ASEAN. VN-Index tiến sát đỉnh lịch sử, phản ánh dòng tiền mạnh mẽ cùng niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và kết quả kinh doanh quý II tích cực.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,71% lên 1.497,28 điểm, tiến gần hơn tới mốc đỉnh lịch sử (1.535 điểm). Chỉ số VN30 tăng 3,13%, đạt 1.643,91 điểm, tiếp tục củng cố xu hướng tăng trưởng sau khi vượt đỉnh tháng 11/2021.

Sắc xanh lan tỏa trên diện rộng. Nhóm bất động sản ghi nhận nhiều cổ phiếu đầu ngành bứt phá và vượt đỉnh. Nhóm chứng khoán hút dòng tiền nhờ thanh khoản cao và kết quả kinh doanh quý II khả quan. Bên cạnh đó, nhóm bán lẻ và xây dựng cũng có diễn biến tích cực. Trong khi đó, thép, cảng biển và bảo hiểm chịu áp lực điều chỉnh sau giai đoạn tăng mạnh.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thanh khoản toàn thị trường tiếp tục tăng, đạt mức cao kỷ lục. Riêng trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên đạt hơn 1,3 tỷ cổ phiếu, tăng 8,6% so với tuần trước. Việt Nam hiện là thị trường có thanh khoản dẫn đầu khu vực ASEAN. Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị lên tới 1.219,8 tỷ đồng trong tuần.

SHS nhận định VN-Index đang vận động tích cực trên vùng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.480 điểm và hướng đến vùng kháng cự từ 1.500 - 1.537 điểm. VN30 duy trì đà tăng vượt trội sau khi vượt đỉnh tháng 11/2021, đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2025 của SHS từng dự báo VN30 khó có thể vượt đỉnh năm 2021. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều ngược lại: VN30 không chỉ vượt đỉnh mà còn tạo lực đẩy cho VN-Index tiến sát vùng giá cao nhất lịch sử. Dù vậy, yếu tố kỹ thuật cho thấy VN30 nhiều khả năng sẽ cần kiểm định lại vùng giá vừa vượt qua để hình thành nền giá bền vững hơn.

Theo các chuyên gia, chiến lược phù hợp hiện nay là nắm giữ theo xu hướng tăng (trend following). Nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thuộc nhóm ngành dẫn dắt, có tiềm năng tăng trưởng bền vững, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP nửa cuối năm đặt ở mức trên 8%.

Chứng khoán toàn cầu khởi sắc

Xu hướng tăng không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà còn lan tỏa trên thị trường quốc tế. Nasdaq liên tiếp lập đỉnh mới, dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và bán dẫn. Tại châu Á, nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Hong Kong (Trưng Quốc), Singapore, Philippines cũng tăng điểm. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand điều chỉnh nhẹ do áp lực chốt lời.

Dù còn những yếu tố bất định như chính sách thuế của Mỹ hay áp lực lạm phát, giới đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và khả năng nới lỏng tiền tệ trong những tháng tới.

Cụ thể, tại Mỹ, kết thúc tuần, chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,01% xuống 6.296,79 điểm; Nasdaq tăng 0,05% lên 20.895,66 điểm; còn Dow Jones giảm 0,32% xuống 44.342,19 điểm. Tính cả tuần, Nasdaq tăng 1,5%, S&P 500 tăng 0,59%, còn Dow Jones giảm 0,07%. Nasdaq lập đỉnh mới sáu lần trong bảy phiên, dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và bán dẫn.

Tại châu Á, phiên 18/7 ghi nhận đà tăng tại hầu hết thị trường lớn. Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,4% lên 3.530,73 điểm; Hang Seng (Hong Kong) tăng 1% lên 24.741,54 điểm, dẫn đầu nhờ nhóm công nghệ. Sydney, Singapore, Manila và Jakarta cũng tăng điểm. Ngược lại, Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,3% xuống 39.778,85 điểm; Seoul và Wellington cũng giảm nhẹ.

Tại Nhật Bản, giới đầu tư trở nên thận trọng khi giá gạo tăng mạnh trong tháng 6/2025, gây áp lực chính trị lên Thủ tướng Shigeru Ishiba trước thềm bầu cử, trong bối cảnh giá lương thực trở thành vấn đề được cử tri quan tâm hàng đầu.

Văn Giáp (TTXVN)