04:10 01/04/2011

Đờn ca tài tử và hành trình đến UNESCO - Bài cuối: Vươn tầm thế giới

Ngày 8/3/2010, Bộ VH, TT&DL ra Quyết định số 2681/BVHTTDL, giao Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Sở VH, TT&DL 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật ĐCTT và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” trình UNESCO...

Ngày 8/3/2010, Bộ VH, TT&DL ra Quyết định số 2681/BVHTTDL, giao Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Sở VH, TT&DL 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật ĐCTT và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

14/21 tỉnh thành có ĐCTT tiến hành tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm và thu được những kết quả khả quan. Qua điều tra điền dã, nhóm lập hồ sơ đã phát hiện có 24 CLB và 4 dàn nhạc chơi ĐCTT xuất sắc. Phỏng vấn nghệ thuật được 18 tay đờn, sưu tầm được 8 tập tài liệu của 8 danh cầm và tìm được bài Ngũ châu, bài Tứ bửu bằng chữ nhạc cổ truyền. Đó là những tài liệu quý giá nhất của ĐCTT, rất cần thiết vào những hạng mục quan trọng của việc lập hồ sơ.

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT&DL), dựa trên các tiêu chí của UNESCO để công nhận một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì nghệ thuật ĐCTT hoàn toàn đáp ứng được. Bởi ĐCTT có tính đại diện rất rõ ràng, nó gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của người dân 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Hơn thế, nó được người dân từ đời này sang đời khác lưu truyền và phát triển rộng rãi trong một không gian văn hóa rất đặc thù, đó là nhà, sân, vườn…

Đờn ca tài tử Nam bộ sau những buổi lao động, làm việc mệt nhọc. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Không chỉ bây giờ, mà cách đây gần 50 năm, ĐCTT đã được giới thiệu với UNESCO. Theo GS Trần Văn Khê, từ năm 1963 ông đã nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thu một đĩa ĐCTT để giới thiệu với UNESCO. Năm 1972, UNESCO đã trực tiếp cử chuyên gia ghi âm và chụp hình lại những bản ĐCTT do chính Giáo sư - nhạc sĩ Vĩnh Bảo biểu diễn tại Paris (Pháp). Đến năm 1973, UNESCO tuyển chọn các bản ĐCTT này và sản xuất thành đĩa mang nhãn hiệu của UNESCO để phát hành trên thị trường quốc tế. Các bộ đĩa thu ĐCTT theo lời mời của UNESCO của các ông vẫn được lưu trong kho lưu trữ âm nhạc dân tộc của tổ chức này.

Đặc biệt, nghệ thuật ĐCTT thể hiện đậm nét bản sắc của cộng đồng người Việt, có sức sống mãnh liệt và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân. Con số kiểm kê di sản bước đầu ở 21 tỉnh, thành có nghệ thuật ĐCTT với 2.019 CLB, 22.643 thành viên, 2.850 nhạc cụ, 120 đầu tư liệu, xuất bản phẩm nghệ thuật đang tồn tại, hoạt động đã chứng minh điều này. Điển hình như Bến Tre có 230 nhóm, đội, câu lạc bộ ĐCTT, 1.772 nghệ nhân đang sinh hoạt, trong đó có 961 nghệ nhân hoạt động từ sau năm 1975 đến nay.

Về hiện vật, Bến Tre có 276 nhạc cụ và các hiện vật khác gắn liền với hoạt động ĐCTT. Tương tự, Đồng Tháp cũng có 220 CLB với 2.200 thành viên tham gia sinh hoạt… Điều này đã thể hiện rõ ý thức bảo tồn và tài năng sáng tạo của người dân Nam bộ nói riêng cũng như người dân đất Việt nói chung. Đây chính là tiêu chí quan trọng để UNESCO xem xét công nhận. Ngoài ra, sự lan tỏa của môn nghệ thuật này cũng được thể hiện rất rõ bởi không chỉ có người Kinh mà các dân tộc anh em như Chăm, Khmer… đều tham gia sinh hoạt, biểu diễn ĐCTT.

Mặt khác, những loại nhạc cụ được dùng trong nghệ thuật ĐCTT như đàn ghita, đàn măngđôlin, đàn viôlông đều cho thấy loại hình di sản văn hóa này đã biết kế thừa văn hóa dân tộc, biết Việt hóa những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Như vậy, nghệ thuật ĐCTT đã sớm hội nhập với văn hóa thế giới để tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng khẳng định, đây là di sản quý giá của người dân Nam bộ, nó đã theo bước chân người Nam bộ đi khắp nơi, kể cả ra nước ngoài… vùng nào có người Nam bộ cư trú, thì ở đó ĐCTT vẫn tồn tại. Chính sức sống mãnh liệt cùng những giá trị xã hội, giá trị nghệ thuật sâu sắc của ĐCTT, nên việc ĐCTT được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại có khả năng rất lớn, có tính hiện thực cao, không đến mức chúng ta phải lo lắng và hồi hộp.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng lưu ý, cần có một chương trình hành động quốc gia để bảo vệ nghệ thuật ĐCTT không bị biến tướng. Bởi hiện nay ĐCTT đang bị lợi dụng để biểu diễn tại các tụ điểm du lịch và trong các nhà hàng, những cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa đã làm sai lệch và mất đi nhiều giá trị nghệ thuật của ĐCTT.

“Tôi đã đi 9-10 tụ điểm ĐCTT phục vụ quán ăn, nhà hàng du lịch… thấy có sự sai lạc và chất lượng nghệ thuật ở những điểm này vô cùng thấp” - ông Đặng Hoành Loan lo ngại. Theo ông Loan, cơ quan quản lý cần đưa ra những tiêu chí cho việc thành lập một nhóm ĐCTT, không nên thả nổi như hiện nay, sẽ rất dễ dẫn đến việc phá hoại di sản quý giá này.

Phương Lan