12:22 05/12/2013

Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản UNESCO

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định đưa đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật truyền thống của miền sông nước phía Nam, vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của tổ chức này cùng với 14 di sản khác của các nước trên thế giới.

Ngày 5/12, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định đưa đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật truyền thống của miền sông nước phía Nam Việt Nam, vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của tổ chức này cùng với 14 di sản khác của các nước trên thế giới. Đây không chỉ là niềm vinh dự của nhân dân miền Nam nói riêng mà còn là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung trong công cuộc bảo tồn, tôn vinh cũng như phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Tuyên bố trên được đưa ra trong khuôn khổ cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO, diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan từ ngày 2-7/12. Được hì nh thành từ thế kỷ thứ 19, đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống tinh thần và văn hóa của nhân dân miền Nam Việt Nam, phản ánh rõ đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân nơi đây.

Biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: Duy Khương/TTXVN


Đậm đà tính dân gian nhưng không kém phần giáo dục uyên thâm, đờn ca tài tử được phổ biến rộng rãi trong các sự kiện như lễ hội hay các ngày lễ giỗ và ăn mừng. Các nghệ nhân và giáo sư nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã nỗ lực giới thiệu loại hình nghệ thuật truyền miệng này với UNESCO từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Không chỉ vậy, hiện nay đã có nhiều băng đĩa phát hành trên thế giới nhằm đưa giai điệu dân tộc này đến bạn bè quốc tế.

Nằm trong danh sách các di sản mới được vinh danh đợt này còn có ẩm thực truyền thống của Nhật Bản, hay còn gọi là “Washoku”, phong tục "kimjang" - nhiều người cùng tham gia chế biến món kim chi truyền thống của Hàn Quốc, phong tục cưỡi ngựa đánh bắt cá của Bỉ, nghệ thuật dệt truyền thống Jamdani tại Bangladesh. Ngoài ra, các nghi lễ tôn giáo cũng được ghi danh trong danh sách 14 di sản mới này, trong đó có lễ hội tôn giáo Cirio de Nazare tại Brazil...

Nhạc khí trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: Duy Khương/TTXVN


Được thành lập vào năm 2008, danh sách Di sản văn hoa phi vật thể của UNESCO hiện nay gồm khoảng 100 phong tục, nghi lễ, truyền thống và sự kiện văn hóa của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo UNESCO, việc thiết lập danh sách này nhằm góp phần quảng bá những nét văn hóa truyền thống đa dạng, đặc sắc của các dân tộc, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của những di sản này.


TTXVN/Tin tức