07:11 29/07/2019

Đối tượng bỏ thuốc diệt cỏ vào bể nước sinh hoạt, luật sư nhận định tội gì?

Trước kết quả mẫu nước trong bể của gia đình anh Đinh Đức Sơn, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ dương tính với chất Paraquat trong thuốc bảo vệ thực vật, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: Cơ quan chức năng đã có căn cứ để điều tra nguồn nước của gia đình anh Sơn đã bị kẻ xấu bỏ thuốc trừ cỏ.

Vào ngày 25/7, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã trả kết quả xét nghiệm mẫu nước trong bể của gia đình anh Đinh Đức Sơn. Theo đó, mẫu nước lấy trong bể của gia đình anh Đinh Đức Sơn khi xét nghiệm có dương tính với chất Paraquat. Hiện vẫn phải chờ kết quả giám định mẫu nước đã gửi xuống Hà Nội để có thêm căn cứ, củng cố hồ sơ, phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ làm sáng tỏ vụ việc.

Chia sẻ trên phương tiện thông tin đại chúng, anh Đinh Đức Sơn cho biết, từ khi có kết quả xét nghiệm mẫu nước anh càng thêm lo lắng bởi vợ anh vẫn bị tức ngực, khó thở sau khi về nhà. Anh Sơn sẽ phải đưa vợ đi kiểm tra lại tại bệnh viện. Cách đây 4 tháng gia đình anh Sơn cũng từng phát hiện 2 gói thuốc bảo vệ thực vật trong bể nước. 

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, xét hành vi của đối tượng, nếu chỉ do mâu thuẫn trong sinh hoạt mà bực tức trả thù lén bỏ thuốc diệt cỏ Paraquat vào bể nước sinh hoạt của gia đình anh Sơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điểm n, Khoản 1, Điều 123 Bộ Luật hình sự (BLHS).

"Theo đó, kẻ phạm tội sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu như làm chết nhiều người hoặc hành vi có tính chất côn đồ", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói. 

Trường hợp, nếu cơ quan chuyên môn xác định mẫu nước nhiễm độc chất Paraquat gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (không gây chết người) thì đối tượng có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác được qui định tại Điều 134 BLHS. Tỷ lệ tổn hại sức khỏe của những người trong gia đình anh Sơn (nếu có) sẽ căn cứ vào tình trạng tổn hại sức khỏe để xử lý đối tượng tương ứng theo quy định tại Điều 134 BLHS.

Nếu hậu quả chưa xảy ra do được phát hiện ngăn chặn và không ai bị tổn hại sức khỏe (không có tỷ lệ % tổn hại sức khỏe) thì không có căn cứ xử lý hình sự đối tượng. Tuy nhiên theo một số luật sư, hành vi của đối tượng nếu chưa cấu thành tội phạm nhưng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn nên cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Điểm e, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi "Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác".

Minh Phương/Báo Tin tức