12:22 05/12/2012

Đối thoại và chia sẻ

Trong cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII của các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, đề cập nhiều vấn đề quan trọng của đất nước...

Trong cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII của các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, đề cập nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, liên quan đến nhiều cơ chế chính sách, đến hoạt động của Quốc hội và cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời cử tri cũng phản ánh những băn khoăn, trăn trở, những điều còn bức xúc trong cuộc sống... Cuộc tiếp xúc cử tri thực sự là một cuộc trao đi đổi lại, một sự chia sẻ chân thành, cởi mở, tâm huyết và trách nhiệm giữa đại biểu với cử tri.


Tinh thần Nghị quyết đã lan tỏa


Tại cuộc tiếp xúc, đa số ý kiến phát biểu cho thấy cử tri đã quan tâm theo dõi rất sát Kỳ họp thứ 4 vừa qua của Quốc hội và đánh giá cao kết quả kỳ họp, với việc bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng, từ công tác xây dựng luật pháp, tiến hành chất vấn, giám sát tối cao, đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Không khí dân chủ, công khai, minh bạch của kỳ họp đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước, với nhiều phiên họp Quốc hội được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các đại biểu phản ánh trước Quốc hội.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 1/12/2012.


Cử tri Vũ Kim Ngọc (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) nhận xét: Kỳ họp có chất lượng cao, thẳng thắn, trách nhiệm, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để nhắc nhở các đồng chí được bầu nâng cao trách nhiệm… Kỳ họp được cử tri quan tâm theo dõi kỹ càng, nhờ Nghị quyết Trung ương 4 như một ngọn đèn soi sáng, hợp lòng dân.


Cảm ơn tình cảm và ý kiến đánh giá của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Chính không khí, tinh thần các Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 4, Trung ương 5, Trung ương 6, đã phả vào hoạt động của Quốc hội… lan tỏa sang hệ thống chính trị”.


Tuy nhiên, cử tri cũng góp ý thẳng thắn về văn hóa nghị trường, về cách thức hỏi – trả lời trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội. Cử tri băn khoăn vì dường như một số đại biểu Quốc hội là "tư lệnh" ngành, lãnh đạo các địa phương... còn né tránh, ít phát biểu.


Trân trọng từng ý kiến đóng góp của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng vẫn còn "nhiều đất" cho đổi mới hoạt động của Quốc hội; đồng bào và chiến sỹ, cử tri cả nước còn đòi hỏi nhiều. Hoạt động của Quốc hội phải "làm sao cho thực chất hơn, dân chủ, công khai hơn, làm đúng vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, với ba chức năng là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước", Tổng Bí thư trăn trở.


Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, nhiều Nghị quyết của Quốc hội "rất hay", nhưng chậm được thực hiện, luật ban hành chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, có khi vừa ban hành đã phải sửa, không tuyên truyền giải thích cho dân hiểu… Về điều này, đồng chí Tổng Bí thư chia sẻ: Vừa qua chúng ta đã cố gắng thể chế hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Trung ương. Nếu không thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, thì nghị quyết khó đi vào cuộc sống. Nhưng nghiên cứu để cụ thể hóa không đơn giản, đề ra chủ trương chung là đúng nhưng cụ thể hóa mới khó.


Nhân dịp này, Tổng Bí thư đã thông tin rất cặn kẽ để cử tri hiểu rõ hơn về quy trình làm luật, từ khảo sát, nghiên cứu, đến thảo luận, giải trình, tiếp thu… làm sao phải vừa sát với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, lại vừa bảo đảm tuân thủ luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Ví dụ như sửa đổi Luật Đất đai, Trung ương đã bàn bạc trong hai kỳ hội nghị và kỳ này đưa ra Quốc hội thảo luận vòng đầu,Tổng Bí thư nói: Phải chuẩn bị thật kỹ, chọn cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thống nhất cao thì mới đưa vào luật. Đã là chế tài thì phải cụ thể, sắc bén và thiết thực đi vào cuộc sống ngay.


Về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), vốn được nhiều cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, Tổng Bí thư cho biết: Lần này đáng lý phải sửa căn bản, toàn diện, nhưng luật này liên quan đến thiết chế khác, các luật khác. "Làm sao cho đồng bộ, không rồi lại vênh... nên chỉ chọn một số vấn đề, mới thông qua một số điều, nhấn chỗ công khai minh bạch và quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đó cũng là kết quả Trung ương 4", Tổng Bí thư cho biết.


Đã sinh ra quyền lực thì phải kiểm soát quyền lực


Cử tri Nguyễn Sang (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động chất vấn, vai trò giám sát của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Cử tri mong Quốc hội tăng cường giám sát, phòng chống tham nhũng, nhất là những bộ phận có điều kiện để tham nhũng, phải làm thế nào để hạn chế được tham nhũng, coi đó là tội đáng khinh, đáng ghét.


Tổng Bí thư chia sẻ: Một điểm lớn của Nghị quyết Đại hội XI và tư tưởng các nghị quyết Trung ương gần đây và tại diễn đàn Quốc hội cũng đã nói rất nhiều lần là: Đã sinh ra cơ quan quyền lực thì phải có sự kiểm soát quyền lực. "Một dạo cứ nói ào ào đi là phân cấp phân quyền nhiều cho bên dưới, ôm làm gì lắm, không làm xuể là chậm. Nhưng phân cấp phân quyền lại không đi với kiểm tra giám sát, đôn đốc thường xuyên thì lại dẫn đến tự tung tự tác, làm sai", Tổng Bí thư lưu ý.


Tổng Bí thư bày tỏ: Lần này có một bước tiến, đó là lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Tâm tư cán bộ đảng viên, nhân dân rất đồng tình với việc thông qua Nghị quyết này. Trong Hiến pháp nước ta, trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Giám sát đều có nói là phải bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu, nhưng suốt mấy nhiệm kỳ nay chúng ta không làm. Lần này, với Hội nghị Trung ương 4, Đảng đã quyết định hàng năm lấy phiếu tín nhiệm và Quốc hội đã cụ thể hóa chủ trương này - hoàn toàn phù hợp hiến pháp và luật pháp. Cái mới lần này là chúng ta phân biệt được giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Tổng Bí thư nói: "Lấy phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên hàng năm, thăm dò xem ông được tín nhiệm cao hay thấp, hay trung bình. Nếu hai năm liền tín nhiệm thấp thì mới bỏ phiếu tín nhiệm. Người ta đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại, kỷ luật không phải để cốt cho nó nhiều, mà chính là giáo dục để làm tốt hơn. Và lần này Quốc hội thảo luận rất kỹ, sôi nổi, thăm dò mấy vòng, cuối cùng biểu quyết tỷ lệ rất cao, gần như 100%, chứng tỏ hợp lòng dân".


Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhìn nhận việc triển khai thực hiện lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm trong thực tế cũng còn nhiều khó khăn. Tổng Bí thư lưu ý: Nếu chúng ta lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không khách quan, không chuẩn xác, vô hình chung là thừa nhận phiếu tín nhiệm cho những người không đáng tín nhiệm. Sắp tới còn phải có hướng dẫn thực hiện nghị quyết này nữa, quy trình quy chế chặt chẽ, phải răn đe ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực trong quá trình này, nếu không lại "méo mó" đi. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là biện pháp rất cần thiết nằm trong chương trình giám sát của Quốc hội.


Tinh thần nhân văn Việt Nam


Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) bày tỏ bức xúc về tình trạng tham nhũng và cho rằng phải kiên quyết trị cho bằng được vấn nạn này, "cần kíp như đánh giặc". Cử tri cho rằng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) do Tổng Bí thư làm kiến trúc sư, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Kỳ họp vừa qua của Quốc hội, dân gửi gắm nhiều kỳ vọng, nhiều đại biểu lên tiếng chỉ trích tham nhũng… Nhưng Nghị quyết Trung ương 4 cần được thực hiện triệt để. Cử tri lo ngại rằng bước tự phê bình và phê bình vừa qua như "hòa cả làng, chẳng biết bộ phận không nhỏ (tham nhũng, biến chất...) ở đâu cả"... Nhiều cử tri khác cũng bày tỏ: Dân trông đợi nhiều vào Nghị quyết Trung ương 4, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)… và đề nghị: Nói và làm cho nhất trí, làm thế nào cho dân tin.

Cử tri Trần Viết Hoàn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình bày tỏ bức xúc về tình trạng tham nhũng.


Cảm động trước tình cảm của cử tri, sự hưởng ứng, đồng tình rất cao trong Đảng, trong nhân dân đối với Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư chia sẻ: Vừa rồi, sau khi biết kết quả Trung ương 6, có tâm tư, tâm trạng chưa hài lòng, thậm chí cho rằng không thành công, không kỷ luật được ai cả. Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương 4 không phải chỉ cho nhiệm kỳ này, vì sẽ còn thực hiện tiếp trong nhiều nhiệm kỳ sau, "bởi đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ". Ngoài ra, không phải chỉ có tự phê bình và phê bình, vì còn bốn nhóm vấn đề, một loạt biện pháp, giải pháp về cơ chế chính sách mới quan trọng chứ không chỉ bằng tình cảm, và "đấu tranh phải có lý có tình, nhằm tất cả cùng tiến lên chứ không phải cốt kỷ luật nhiều mới là tốt, mới là đúng".


Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Tính ưu việt, nhân văn của Nghị quyết Trung ương 4 là thế, và tư tưởng Bác Hồ là thế. Tôi nhiều lần nói rồi, Nghị quyết này với yêu cầu trước mắt hiện nay là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, cuối cùng anh không sửa thì mới kỷ luật, xử lý. Mà xử lý phải có lý có tình trên cơ sở luật pháp, với một tinh thần nhân văn Việt Nam và tư tưởng Bác Hồ. Kỷ luật sắt nhưng phải tự giác, 'sắt' mà không tự giác cũng chưa tốt, không chịu tự giác thì phải kỷ luật". Tổng Bí thư khơi gợi: "Ví như nhóm một cái lò. Có thể có củi khô, có củi tươi, có củi vừa vừa. Quan trọng lúc đầu phải nhóm cái lò đó lên, tạo thành hơi ấm, hơi nóng, lúc bấy giờ củi khô, củi tươi vào đều cháy hết, thế mới là tư tưởng sâu xa hơn. Phải đồng lòng nhất trí, nhóm lò lên cho nóng đã. Vả lại phê bình, tự phê bình đâu phải chỉ là kỷ luật, tự mỗi con người phải tự giác để làm thì nó bền vững sâu xa hơn. Bây giờ không khí Quốc hội như thế, Luật Phòng, chống tham nhũng như thế, lấy phiếu tín nhiệm hàng năm như thế, còn bao nhiêu kênh khác nữa chứ, anh đã hứa rồi mai kia có thực hiện hay không còn giám sát nữa chứ. Hai năm liền bỏ phiếu mà không đạt thì tự anh cảm thấy thế nào…".


Không để "hòa cả làng"


Trước câu hỏi thẳng thắn của cử tri đề nghị Tổng Bí thư cho biết “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức” nằm ở đâu, vì qua kiểm điểm ở Trung ương không thấy, địa phương cũng không, Tổng Bí thư đã chia sẻ hết những tâm tư, suy nghĩ của mình. Đồng chí khẳng định: Nói một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, hoàn toàn không sai, mà không phải bây giờ mới nói, nói lâu rồi, cách đây mấy nhiệm kỳ rồi. Nghị quyết Trung ương 4 của Bộ Chính trị khóa 6 năm 1987, Nghị quyết Trung ương 6 Khóa 7 về một số vấn đề chủ yếu về xây dựng Đảng cũng đã nói, Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 cũng nhận định rồi, bây giờ tiếp tục làm. "Chỉ có điều, bộ phận không nhỏ là bao nhiêu phần trăm thì thật là khó, hay tách bạch ra hoàn toàn anh này nằm trong bộ phận không nhỏ, anh này không, thì không biện chứng. Đương nhiên phải nhìn cho ra trọng tâm trọng điểm, không rồi là 'hòa cả làng'”.


Tổng Bí thư bày tỏ: "Nói xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, xây dựng con người... Cha ông ta cũng có câu rất hay về con người: 'miếng ăn là miếng tồi tàn/mất ăn một miếng lộn gan lên đầu'. Chả bao giờ mình thấy khuyết điểm của mình đâu, chỉ thấy ưu điểm thôi, thích ca tụng, vuốt ve, đụng đến lợi ích thì phản ứng, nhất là một khi lợi ích nhóm, móc ngoặc với nhau thành đường dây rồi thì vô cùng phức tạp. Trong mỗi con người đều có cái thiện, cái ác, đều có mặt tốt, mặt xấu. Đấu tranh tốt thì mặt tốt trội lên, tập thể giúp đỡ tốt thì hạn chế, ngăn ngừa được mặt xấu, hôm nay có thể anh xấu, nhưng ngày mai anh tốt, hôm nay anh tốt nhưng có thể ngày mai anh xấu. Hôm qua anh có thể là vĩ đại, nhưng ngày nay anh không còn vĩ đại nữa nếu trong lòng anh không trong sáng".


Tổng Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế chính sách để thực hiện các chủ trương của Đảng. Đồng chí nêu rõ: Vừa rồi ta đã thay đổi một loạt, như sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, hay về Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, việc lập lại Ban Kinh tế, Ban Nội chính Trung ương, xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị... Tất cả nhằm công khai minh bạch, không phô trương hình thức.


Nguyễn Thị Sự (lược ghi)