06:12 15/06/2021

Đối thoại quốc gia lần thứ nhất về Hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam

Sáng 15/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư; Liên hợp quốc tại Việt Nam và các đối tác quốc tế tổ chức Đối thoại quốc gia lần thứ nhất với chủ đề “Hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam: Minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Đây là sự kiện quan trọng nhằm chuẩn bị cho Việt Nam tham gia hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9/2021.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khó lường. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản xuất lương thực thực phẩm bị ảnh hưởng, đời sống người dân nông thôn, nhất người nghèo, đối tượng yếu thế, người dễ bị tổn thương đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm hơn, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ngay gắt, đã và đang là thách thức lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng trên thế giới.

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cao nhất thực hiện “mục tiêu kép”,  vừa quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của ngành nông nghiệp trở nên càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện “bình thường mới”, cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, khung Hệ thống lương thực thực phẩm đưa ra các tiếp cận hợp tác đa ngành đa cấp và phù hợp với chính sách hiện hành của Việt Nam như: Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình Hành động quốc gia Không còn nạn đói đến năm 2025; Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030…

Việt Nam sẽ làm tốt hơn, hiệu quả hơn các chương trình hành động của từng ngành, lĩnh vực trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, sáng kiến cùng hỗ trợ thúc đẩy Hệ thống lương thực, thực phẩm thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho người dân Việt Nam mà còn trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch và có trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đánh giá, Hệ thống lương thực thực phẩm liên quan đến mọi khía cạnh đời sống của con người. Sức khỏe của các hệ thống lương thực thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mỗi người, cũng như sức khỏe môi trường, nền kinh tế và văn hóa. Khi hệ thống lương thực thực phẩm vận hành tốt sẽ có khả năng đưa các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Nếu hệ thống bất ổn thì những rối loạn gây ra sẽ đe dọa tới mọi thành tựu từ giáo dục, y tế và kinh tế, cũng như nhân quyền, hòa bình và an ninh.

Theo bà Rana Flowers, Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững không chỉ giúp chấm dứt đói nghèo mà còn giúp thế giới đạt được tiến bộ quan trọng trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm 2021 tạo ra bước ngoặt trong nỗ lực trên con đường tiến tới 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Rana Flowers hi vọng, các bên liên quan cùng trao đổi nhằm tìm ra phương án tái cấu trúc và vận hành hệ thống lương thực thực phẩm quốc gia, các phương án giải quyết những vấn đề đang phát sinh; mở ra ra các cuộc đối thoại tiếp theo ở cấp quốc gia và địa phương, qua đó xác định hướng đi phù hợp với thực tế cấp quốc gia và địa phương nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam theo hướng toàn diện, bền vững và có khả năng chống chịu hơn.

Tại cuộc Đối thoại quốc gia lần thứ nhất, các đại biểu tập trung thảo luận 2 nội dung chính bao gồm: thực trạng và các vấn đề cần giải quyết trong hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam; các cơ hội, giải pháp và các hành động để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch - trách nhiệm - bền vững đến năm 2030.

Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của Liên Hợp quốc nhằm định hướng cho hệ thống lương thực thực phẩm được phát triển bền vững hơn, toàn diện hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn, tạo ra tác động đa chiều để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Hội nghị tập trung vào năm mục tiêu hành động bao gồm: đảm bảo quyền tiếp cận lương thực thực phẩm an toàn và cân bằng dinh dưỡng cho mọi người; chuyển đổi xu thế tiêu dùng theo hướng lành mạnh và bền vững; thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường; tăng cường bình đẳng trong chia sẻ giá trị và sinh kế và xây dựng khả năng chống chịu trước các tổn thương và cú sốc.

Để chuẩn bị cho sự kiện này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thay mặt Chính phủ tổ chức 2 đối thoại quốc gia và 3 đối thoại cấp vùng từ 15/6 – 15/7 theo hình thức trực tuyến. Chủ đề xuyên suốt trong chuỗi đối thoại nhằm hướng tới việc xây dựng Hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam: minh bạch - trách nhiệm - bền vững.

Bích Hồng (TTXVN)