04:10 29/04/2012

Đối thoại mở để hiểu về "Văn hóa của mình"

Một thế giới tươi sáng và chân thực qua lời kể của những đồng bào dân tộc thiểu số vừa hiện diện tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội), trong cuộc triển lãm ảnh "Văn hóa của mình-Đối thoại trong không gian mở", do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tổ chức.

Một thế giới tươi sáng và chân thực qua lời kể của những đồng bào dân tộc thiểu số vừa hiện diện tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội), trong cuộc triển lãm ảnh "Văn hóa của mình-Đối thoại trong không gian mở", do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tổ chức.

"Người đứng giữa bức ảnh là bà Giã Tươi, 80 tuổi, người Pa Cô, là thông gia với bà Giã Hơm, 80 tuổi, người Vân Kiều (người đội khăn và có áo màu chàm là người phụ nữ Vân Kiều). Bà Giã Ngàn, 85 tuổi, người Pa Cô, là hàng xóm, ở thôn Vức Leng, xã Tà Rụt. Trong cuộc sống hàng ngày các bà vẫn mặc trang phục này, nhất là trong dịp đám cưới các bà còn đeo thêm các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, mã não".


Cuộc triển lãm là thành quả trong 4 tháng bà con dân tộc thiểu số trong cả nước tự cầm máy ảnh, tự tìm tòi, tự chụp và tự thuyết minh cho những bức ảnh của mình - như một cách để giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc mình với bạn bè trong và ngoài nước.

Triển lãm này là kết quả của dự án photovoice, do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tiến hành trong 9 nhóm dân tộc thuộc 3 miền, gồm dân tộc Mông Si, Dao đen (Yên Bái), Mông đen, Dao đỏ (Lào Cai), Mường, Thái (Thanh Hóa), Pa Cô, Vân Kiều (Quảng Trị), Khmer (Sóc Trăng). Ở mỗi dân tộc, BTC đã chọn ra một số đại diện tiêu biểu để hướng dẫn cách sử dụng máy ảnh, hướng dẫn cách chụp ảnh, và sau đó là để tự họ tìm đề tài, thể hiện đề tài của mình. Ban đầu, cũng có những ý kiến e ngại rằng kết quả của dự án sẽ không được như mong muốn. Bởi với những người lần đầu tiên cầm máy, với những người đã ngày ngày sống trong không gian ấy, hít thở những văn hóa ấy... liệu họ có thể tìm ra những gì độc đáo để thể hiện không? Nhưng, kết quả của dự án đã vượt xa sự mong đợi, gây bất ngờ ngay cho BTC lẫn những khán giả có cơ hội được xem ảnh.

Quả thật, 150 bức ảnh của dự án được chọn trưng bày trong triển lãm thật sự tươi mới và hấp dẫn, bởi đó là cảm xúc của người trong cuộc. Như đánh giá của ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, đơn vị thực hiện dự án, những tấm ảnh đều được chụp từ góc nhìn của người trong cuộc, điều mà các tác phẩm ảnh chuyên nghiệp khó mà có được.

Và quan trọng hơn, mỗi bức ảnh là một câu chuyện, có đời sống riêng, khiến người xem không thể "cầm lòng" với mong muốn được đi sâu tìm hiểu thêm. Tác giả Hồ Thị Bụi, người Pa Cô, hiện đang sống ở Quảng Trị, đã chọn đối tượng chụp là chị Hà Thị Đôi ở xã Tà Rụt (Đakrông, Quảng Trị), một phụ nữ dân tộc Pa Cô với buồng chuối nặng trĩu trên lưng (ảnh 2). Màu xanh non của buồng chuối, sắc thẫm xanh của núi rừng càng làm nổi bật màu áo hồng và nụ cười làm rạng rỡ gương mặt hằn sâu sự vất vả, lam lũ của người phụ nữ Pa Cô.

Bố cục ảnh khá tốt, cảm xúc về cuộc sống trong ảnh cũng thật trong trẻo, và quan trọng hơn là "câu chuyện" đi kèm bức ảnh, do chính Hồ Thị Bụi viết ra, cũng thật tuyệt vời: "Mỗi gùi chuối đựng 5 buồng, bán được khoảng 150.000 đồng là thu nhập cao đối với người Pa Cô so với trồng ngô và trồng sắn. Chuối là loại cây rất dễ trồng, ít phải chăm sóc, chỉ cần mỗi vụ làm từ 2-3 lần, đất rừng trồng chuối là tốt nhất, thời gian chuối cho quả sớm và quả to...".

Những câu chuyện đi kèm, đó cũng chính là sự độc đáo của dự án này: Không chỉ chụp ảnh, mà tác giả còn tự chú thích cho bức ảnh của mình bằng một câu chuyện về đời sống của dân tộc mình, về bản sắc của văn hóa dân tộc mình. Thế nên, Vi Thị Muông, dân tộc Thái, đến từ tỉnh Thanh Hóa, đã chọn chụp hình ảnh con cá nướng - một lễ vật trong lễ Chá Chiêng của dân tộc Thái. Trong "câu chuyện của mình", Vi Thị Muông "kể" rằng: "Cá nướng (thường là cá chép hoặc cá rô) do con nuôi đem đến treo.

Lúc nhảy múa, chủ lễ sẽ gỡ cá ra để đem đi đánh cồng chiêng. Người ta tin rằng cá của ai bị vỡ vụn ra thì người con nuôi đó sẽ bị hạn, bị ma ám, không khỏe mạnh. Nếu cá không bị nát thì người đó khỏe mạnh. Thường cá không bị nát ra mặc dù đánh mạnh". Câu chuyện thật nhiều điều chưa rõ, nhưng đó cũng chính là "dụng ý" của BTC, bởi sau khi xem ảnh, đọc chú thích, cũng là lúc người xem cảm thấy cần phải tiếp tục tìm hiểu về lễ vật và lễ Chá Chiêng này. Theo đồng bào Thái, lễ Chá Chiêng là một trong những lễ hội tiêu biểu của đồng bào Thái. Lễ Chá Chiêng do ông mùn (thày mo) tổ chức 3 năm một lần, để tạ ơn Then Luông và các Then khác trên Mường Trời. Lễ vật dùng cho việc này đều do các con nuôi, con ruồng (bệnh nhân được thày mo chữa cho khỏi bệnh) mang tới đóng góp; trong đó những người con nuôi sẽ mang cá nướng tới như ảnh Vi Thị Muông đã chụp. Lễ hội Chá Chiêng thường diễn ra vào tháng giêng, tháng hai âm lịch. Ngày làm lễ do ông mùn chọn, thường là ngày 5, 14, 23.

Không hướng về việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, Hồ Văn Phúc, dân tộc Bru - Vân Kiều, lại chọn phản ánh cuộc sống hôm nay một cách rất thú vị và dí dỏm (ảnh 3). Bức ảnh chụp hai cậu bé đang dắt trâu đi cày, cậu anh đi trước kéo dây, cậu em ngồi trên chiếc cày, cặp mắt to trong veo nhưng cũng đầy lo lắng, thể hiện trách nhiệm với công việc mình đang thực hiện này. Hồ Văn Phúc kể rằng đây là hình ảnh 2 anh em Hồ Văn Phòng (17 tuổi) và Hồ Văn Thoang (15 tuổi) ở bản Ba Rầu, xã Mò Ó (Quảng Trị), đang cày ruộng để chuẩn bị trồng lúa nước. Do con trâu này chưa quen nên cần có 2 người, một người cày và một người dắt trâu đi đúng hướng theo hiệu lệnh của người cầm cày. Hồ Văn Phúc cũng cho biết, trẻ em Vân Kiều bắt đầu cầm cày từ năm 12-13 tuổi, đến năm 15 tuổi là có thể cày thành thạo, nên nếu người lớn bận thì công việc cày ruộng sẽ do các em thực hiện.

"Qua những bức ảnh này, người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp của văn hóa ở sự đa dạng và khác biệt. Người xem cũng có thể thấy văn hóa đã mang lại những lợi ích gì cho cộng đồng, và nếu biết quảng bá, thì sẽ còn giúp nâng cao vị thế của đất nước. Hơn thế nữa, họ sẽ thấy người dân tộc thiểu số chính là những người đang chủ động khám phá, thể hiện và quyết định văn hóa được bảo tồn và tiếp thu như thế nào", ông Lê Quang Bình cho biết. Và đó cũng chính là mục đích và ý nghĩa lớn nhất của dự án photovoice. Với thành công lớn của dự án này, rất nên tiếp tục hành trình để các dân tộc tự nói về mình...

T.A