07:16 26/07/2025

Đối thoại học thuật quốc tế về đổi mới và phát triển kinh tế biển

Ngày 26/7, Trường Đại học Nha Trang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa và Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam tổ chức khai mạc Hội thảo quốc tế lần thứ 2 với chủ đề “Đổi mới và phát triển biển bền vững - MSDI 2025”.

Chú thích ảnh
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Sự kiện thu hút sự tham gia của trên 200 nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà quản lý trong nước và quốc tế đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn học thuật và trao đổi chuyên môn giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và sinh viên trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật biển, công nghệ số và phát triển bền vững; thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ phục vụ khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên biển hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hợp tác liên ngành, liên trường, liên quốc gia và kết nối giữa các viện - trường - doanh nghiệp trong nghiên cứu và ứng dụng giải pháp kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang hy vọng Hội thảo quốc tế lần thứ 2 với chủ đề Đổi mới và phát triển biển bền vững - MSDI 2025 sẽ trở thành chất xúc tác - khơi dậy các ý tưởng sáng tạo, định hình các xu hướng tương lai và tăng cường kết nối cộng đồng chuyên gia toàn cầu cam kết vì sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp biển.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tập trung trình bày các báo cáo khoa học, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tham gia thảo luận về các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực khoa học biển và thủy sản với các chủ đề chính, bao gồm kỹ thuật và công nghệ công trình biển; kỹ thuật và công nghệ nuôi trồng thủy sản; kỹ thuật và công nghệ chế biến sản phẩm từ biển; kỹ thuật và công nghệ khai thác thủy sản; khoa học biển và đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Quốc Hoàn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa cho hay, theo báo cáo của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới vừa công bố trong năm 2025, tỷ lệ đóng góp tổng giá trị gia tăng (GVA) của các ngành kinh tế biển vào tổng GVA Việt Nam đã tăng từ 5,04% lên 5,83% trong vòng một thập kỷ qua. Đặc biệt, tỷ trọng việc làm trong các ngành kinh tế biển ở mức cao, chiếm khoảng 8% tổng số việc làm cả nước. Ngoài ra, các hệ sinh thái biển và ven biển còn đóng góp thêm khoảng 0,6% vào GVA toàn quốc.

Đối với tỉnh Khánh Hòa có hơn 490 km bờ biển và hàng trăm đảo lớn nhỏ - kinh tế biển không chỉ là trụ cột tăng trưởng mà còn là động lực đổi mới và hội nhập. Tỷ trọng đóng góp của các ngành kinh tế biển vào GRDP của tỉnh đang ở mức cao và theo định hướng phát triển, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ đạt trên 10%.

Với tầm nhìn đó, Khánh Hòa xác định các lĩnh vực mũi nhọn cần được thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển kinh tế biển, bao gồm nuôi biển công nghiệp, sản xuất giống hải sản chất lượng cao (cá biển, tôm giống); phát triển du lịch biển chất lượng cao, thân thiện với môi trường; chuyển đổi số trong lĩnh vực chế biến thủy sản và quản lý khai thác biển và từng bước tiếp cận và làm chủ các công nghệ đại dương mới như công nghệ sinh học biển, robot dưới nước và hệ thống quan trắc biển thông minh.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa nêu rõ với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn, Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa cam kết sẽ luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Trường Đại học Nha Trang và các đối tác trong và ngoài nước để cùng nhau thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo vì một tương lai biển cả bền vững, hòa bình và thịnh vượng 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo.

Trong phần tham luận về nuôi biển, Tiến sĩ Huỳnh Văn Vũ, Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông - Trường Đại học Nha Trang, đã trình bày báo cáo về “Cấu trúc hệ thống nuôi biển: hiện trạng và định hướng phát triển trong tương lai”. Ông chỉ ra rằng, đối với công nghệ nuôi thủy sản trên biển có giá trị kinh tế cao, đặc biệt ở các vùng biển xa bờ, nhu cầu cải tiến về thiết kế hệ thống nuôi, kỹ thuật nuôi, sử dụng các hệ thống hiện đại để hỗ trợ, giám sát và các hệ thống xử lý giảm thiểu tác động đến môi trường ngày càng trở nên cấp thiết.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Vũ, Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều khu vực vịnh, đầm, phá ven bờ với môi trường tốt để xây dựng các trang trại nuôi thủy sản. Tuy nhiên, kết cấu của hệ thống nuôi và kỹ thuật nuôi hiện tại còn thiếu an toàn, quy mô nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. “Để nâng cao sản lượng, giảm thiểu tác động của môi trường đến sự an toàn của hệ thống nuôi, từ kết cấu, thiết bị phục vụ đến chất lượng sản phẩm thủy sản và tác động ngược lại của việc xả các chất thải trong quá trình nuôi ra môi trường, đòi hỏi phải có các mô hình mới hiện đại hơn, vùng nuôi phải chuyển ra khu vực xa bờ hơn”, Tiến sĩ Huỳnh Văn Vũ gợi mở hướng phát triển.

Không chỉ lĩnh vực nuôi biển, lĩnh vực an toàn hàng hải cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia. Với tham luận “Thúc đẩy phát triển hàng hải bền vững thông qua các góc nhìn từ va chạm tàu thủy”, Giáo sư Sang-Rai Cho, đến từ Đại học Ulsan (Hàn Quốc) trình bày các số liệu thống kê toàn cầu về tai nạn hàng hải và chỉ ra những mô hình chủ đạo cần nắm bắt nhằm giảm thiểu rủi ro, đặc biệt tập trung vào va chạm tàu thủy. Thiết kế kết cấu để chống chịu va chạm là vấn đề then chốt trong việc thúc đẩy sự bền vững cho ngành hàng hải. Bên cạnh đó, tận dụng hiệu quả tiến bộ của công nghệ tính toán và phần mềm phân tích thiệt hại giả định, các kịch bản va chạm để đánh giá độ bền của tàu trở nên chính xác hơn.

Theo Giáo sư Sang-Rai Cho, để thúc đẩy tính bền vững của ngành hàng hải, việc nâng cao chất lượng đào tạo an toàn cho thủy thủ cũng đóng vai trò quan trọng. Giải pháp đề xuất là tích hợp các mô phỏng phân tích va chạm và ngập nước vào chương trình đào tạo. Điều này giúp tăng cường nhận thức và mức độ sẵn sàng ứng phó của thuyền viên trước các tình huống khẩn cấp trên biển.

Theo Ban Tổ chức, Hội thảo quốc tế lần thứ 2 với chủ đề “Đổi mới và phát triển biển bền vững - MSDI 2025” diễn ra từ ngày 25 - 27/7 nhận được 208 bài tham luận; trong đó, 102 bài vượt qua vòng phản biện để trình bày trực tiếp. Đây là một diễn đàn học thuật có ý nghĩa to lớn, không chỉ là nơi gặp gỡ, chia sẻ và cập nhật tri thức khoa học mới giữa các nhà nghiên cứu, mà còn là dịp để kết nối giữa khoa học - công nghệ với thực tiễn phát triển kinh tế biển bền vững ở cấp quốc gia và địa phương.

Nguyễn Thành (TTXVN)