06:20 22/06/2021

Đối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch Bình Thuận

Hỗ trợ giảm tiền thuê đất hàng năm, giảm 50% thuế giá trị gia tăng; giảm lãi suất vay ngân hàng; hỗ trợ giảm tiền nước sinh hoạt; tiền điện… là những nội dung được các doanh nghiệp du lịch kiến nghị tại buổi làm việc trực tiếp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương vào chiều 22/5.

Chú thích ảnh
Biển Mũi Né luôn thu hút đông đảo du khách đến nghỉ dưỡng và chơi các môn thể thao trên biển (Ảnh tư liệu).

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh du lịch của Bình Thuận. Ước 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đón 1,7 triệu lượt khách, đạt 37% so với kế hoạch năm; doanh thu ước đạt 3.900 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2020. Tình hình kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, nhất là từ tháng 5/2021, khi tỉnh dừng đón khách từ TP Hồ Chí Minh. Để ứng phó với tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng với việc giảm lượng nhân công, cho lao động nghỉ luân phiên, giãn giờ làm, cắt giảm lao động… Một số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, một số doanh nghiệp phá sản, giải thể.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh, Chính phủ có quyết định giảm 15% tiền thuê đất trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong việc phục hồi kinh doanh, vì vậy Hiệp hội kiến nghị Chính phủ giảm từ 50 - 80% tiền thuê đất năm 2021 cho doanh nghiệp du lịch, đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng, thuế phi nông nghiệp… Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế giảm lãi suất cho doanh nghiệp và có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch được vay vốn mới mức lãi suất thấp.

Các doanh nghiệp cũng đưa ra một số kiến nghị khác như: không tính lãi khoản tạm ngưng bảo hiểm hưu trí, tử tuất năm 2020 và tiếp tục gia hạn năm 2021 theo diễn biến thực tế cho đến khi hết dịch; triển khai tiêm vaccine cho những người làm việc trong lĩnh vực du lịch. Các doanh nghiệp mong muốn tỉnh có các gói an sinh xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19 nhưng chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Tuấn Phong nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận luôn đồng hành và chia sẻ tình hình khó khăn với doanh nghiệp và người lao động trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó có doanh nghiệp hoạt động du lịch.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan có văn bản trả lời trực tiếp các kiến nghị của doanh nghiệp. Những nội dung nào có hướng dẫn của trung ương phải trả lời cụ thể, hết thời gian áp dụng thì phải báo hết hạn áp dụng. Những nội dung nào còn hiệu lực thì phải hướng dẫn điều kiện, quy tắc, hồ sơ để doanh nghiệp tiếp cận.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh  đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, lưu trú, lữ hành trên địa bàn; phối hợp sở, ngành  đề xuất các kiến nghị chung báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét giải quyết. Sở phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổng hợp danh sách nhu cầu tiêm vaccine của người lao động. Đồng thời ngành du lịch tiếp tục nghiên cứu xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch từ nay đến cuối năm để sẵn sàng khôi phục du lịch ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Tin, ảnh: Hồng Hiếu (TTXVN)