07:08 17/07/2011

Dõi theo khi con lướt mạng

Những trang web đen, những bài báo ở trang mạng hợp pháp nhưng lại khai thác yếu tố tình dục câu khách đang đe dọa lối sống lành mạnh của giới trẻ. Cha mẹ, vì thế, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ thanh sạch tâm hồn, lành mạnh lối sống cho con cái...

Những trang web đen, những bài báo ở trang mạng hợp pháp nhưng lại khai thác yếu tố tình dục câu khách đang đe dọa lối sống lành mạnh của giới trẻ. Cha mẹ, vì thế, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ thanh sạch tâm hồn, lành mạnh lối sống cho con cái. Cùng nhà tâm lý Lê Minh Công (ảnh), người từng điều trị nhiều bệnh nhân loạn dục phân tích sự nguy hại của những trang web độc hại mà nhiều bạn trẻ đang sa chân vào, cũng như sự cần thiết phải vào cuộc của phụ huynh.

Các trang mạng có yếu tố gợi dục ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển tâm lý của giới trẻ, thưa ông?

Những hình ảnh gợi dục ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tâm lý giới trẻ. Cụ thể, chúng sẽ tác động rất lớn đến nhận thức và làm thay đổi hành vi giới, tình dục ở các em.

Thứ nhất, những hình ảnh đó làm thay đổi nhân dạng giới tính các em. Khi các hình ảnh khiêu dâm trên mạng gợi tò mò, các em sẽ dẫn tới tham gia các forum, các diễn đàn trong cuộc sống thực và ảo. Ở đó, các em có thể được gặp gỡ, chia sẻ, và đôi khi được hướng tới một nhân dạng giới tính khác so với những điều các em được giáo dục.

Thứ hai, những hình ảnh gợi dục đó đôi khi dẫn tới sự tò mò, ham muốn ở các em và có thể làm thay đổi hành vi tình dục hay là thay đổi các hành vi giới tính. Ví dụ như các em có thể có hành vi quan hệ tình dục sớm hơn, các em có thể có những hành vi thủ dâm hoặc rối loạn tình dục sớm, các em có thể quan hệ tình dục đồng giới.

Nhưng Internet là điều không thể thiếu với xã hội hiện đại. Vậy, các nghiên cứu trên thế giới về tác hại của các trang mạng gợi dục tới trẻ em nói gì , thưa ông?

Nhiều quốc gia đã quan tâm và xây dựng các chương trình kỹ năng để giới trẻ có thể sống an toàn, sống lành mạnh với Internet. Internet là một “thành phố” đầy quyến rũ, mang lại nhiều điều hữu ích cho cuộc sống con người, nhưng Internet cũng có nhiều cạm bẫy, nhiều điều tiêu cực, một phần trong số đó đã được phân tích ở trên.

Tôi có được tiếp cận với một nghiên cứu quốc gia của Ôxtrâylia về an toàn trên mạng đối với giới trẻ. Các số liệu khảo sát được nghiên cứu từ thực tiễn thanh thiếu niên Ôxtrâylia và các số liệu thứ cấp từ nhiều quốc gia khác. Mục đích chính của nghiên cứu là xác định những vấn đề gì gây mất an toàn cho giới trẻ khi tham gia mạng Internet và từ đó xây dựng chiến lược bảo vệ an toàn cho các em.

Qua nghiên cứu cho thấy các vấn đề nổi lên gây mất an toàn với thanh thiếu niên khi sử dụng mạng Internet là: Nghiện Internet, các vấn đề về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, nghiện chất, bắt nạt và hành vi bạo lực, gợi tình, gạ tình, quấy rối tình dục trên mạng, việc phơi bày các hình ảnh cá nhân trên mạng (hình ảnh khiêu dâm, hình ảnh bạo lực)…

Ảnh minh họa.

Nghiên cứu cũng khuyến cáo và xây dựng chiến lược an toàn mạng cho thanh thiếu niên. Bởi vì, chúng ta không thể cấm trẻ sử dụng Internet, mà chúng ta cần có chiến lược, cả về thay đổi nhận thức, hành vi, tính tự chủ cao khi sử dụng Internet, và làm gì để môi trường Internet lành mạnh. Tôi cho rằng đây là một xu hướng đúng để phòng ngừa những tác động tiêu cực mà Internet mang lại.

Còn nghiên cứu tại nước ta thì sao, thưa ông?

Một nghiên cứu của TS Ngô Anh Đức và cộng sự vào năm 2009 tại Hà Nội cho thấy thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng Internet như một nguồn thông tin tình dục và là một phương tiện để thể hiện nhận dạng ham muốn tình dục. Giới trẻ cũng hướng tới Internet nhằm tìm kiếm kiến thức và trao đổi kinh nghiệm.

Nghiên cứu cho rằng, thay vì cố gắng hạn chế sự tiếp cận thông tin hoặc Internet, chúng ta nên có các nỗ lực tổng thể để mở rộng giáo dục tình dục, đưa vào giáo dục tình dục các trao đổi liên quan, dạy các em đánh giá thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và phản ứng một cách phù hợp với các điều kiện xã hội nơi xảy ra quan hệ tình dục.

Những trường hợp lệch lạc tình dục mà ông đã chữa có thường bắt đầu bằng tiếp xúc với các ảnh nhạy cảm trên những trang mạng hợp pháp của Việt Nam rồi sau đó chuyển sang các trang bị cấm không?

Cũng có thể là như vậy, tôi lấy ví dụ như một cậu học sinh 14 tuổi đến với chúng tôi bởi tình trạng loạn dục với đồ vật (sử dụng quần lót của mẹ và người giúp việc để thủ dâm). Lúc đầu em ấy cũng xem tranh ảnh, các bộ phim tình cảm, trang website tin tức… Nhưng dần dần, sự thôi thúc ham muốn tăng cao, em ấy đã xem các website người lớn và có hành vi trên.

Hay một nữ sinh viên ĐH, lần đầu tiên em vô tình xem các hình ảnh của người mẫu nữ mặc đồ tắm là vào năm em học lớp 12. Điều này làm em vừa xấu hổ, vừa lo lắng và căng thẳng, nhưng điều đó rất kích thích em. Càng kích thích em càng vào xem các trang khiêu dâm, có hành vi thủ dâm và thủ dâm với cường độ nhiều. Sự đấu tranh giữa ham muốn và không được phép bởi ý thức hệ làm em hoang mang, lo lắng dẫn tới suy nhược và có lo âu xã hội.

Lứa tuổi cấp 2 là lứa tuổi bắt đầu hình thành tự ý thức về giới, quan tâm đến giới tính và tình dục. Nếu chúng ta không giúp các em nhận thức lành mạnh, các em dễ bị lệch lạc và đi quá xa vấn đề giới và tính dục dẫn tới những khó khăn.

Ông có thể cho một vài dấu hiệu để nhận biết một người nào đó nghiện hình ảnh gợi dục không?

Nghiện tình dục trực tuyến- bao gồm việc xem, tải (download), mua bán dâm trực tuyến hay tán ngẫu khiêu dâm (chat sex)- đang là một vấn đề rất mới trong xã hội hiện đại, ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống, vấn đề công việc, học tập, quan hệ xã hội và hôn nhân của người mắc phải. Theo một điều tra năm 1999, có hơn 8% người sử dụng Internet tại Mỹ có những dấu hiệu hiển nhiên của nghiện tình dục trực tuyến, 32% thừa nhận rằng hành động tình dục trực tuyến gây trở ngại cho chính cuộc sống của họ.

Tại Việt Nam, chưa có báo cáo cụ thể về vấn đề này nhưng ngày càng nhiều người bị ảnh hưởng từ việc nghiện tình dục trực tuyến như hiếp dâm, loạn dục, trầm cảm, lo âu và stress kéo dài ảnh hưởng đến hôn nhân, học tập và công việc của chính họ.

Và theo ông, cha mẹ, xã hội có thể làm gì cho con trẻ để tránh những hình ảnh xấu từ Internet?

Tôi nghĩ, cách tốt nhất là nâng cao sức đề kháng văn hóa cho thanh thiếu niên. Nếu các em có những sân chơi lành mạnh về thể chất và tinh thần từ nhỏ, các em sẽ có đủ sức mạnh để “bỏ qua” những sân chơi thiếu lành mạnh trên mạng. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, học trò tiểu học đã có những cuộc thi sáng tạo khiến các em không những yêu thích sáng tạo mà còn thấy mình có trách nhiệm với xã hội hơn. Mô hình này của Nhật hiện cũng đã được áp dụng trong cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên tại nước ta.

Cha mẹ nên sử dụng những phần mềm kiểm soát việc con lướt mạng. Cũng cần có chiến lược quốc gia để cung cấp cho phụ huynh những kiến thức cần thiết về điều này.

Thêm vào đó, cũng cần có những cách tiếp cận khoa học giới tính hiệu quả cho các em. Thông thường, các em ít khi được cung cấp thông tin từ những người gần mình như cha mẹ, thầy cô giáo. Việc phải tự tìm kiếm kiến thức giới tính dễ đẩy các em vào những trang web không lành mạnh. Có lẽ nhà trường và gia đình cần xem lại điều này. Nên có những tờ rơi hướng dẫn, đường dây nóng, những câu lạc bộ để người trẻ được cung cấp thông tin đầy đủ, khoa học.

Xin cảm ơn ông!

Cầm Trang(thực hiện)