03:08 17/03/2015

Đổi thay trên vùng đất thép Tiên Phước

40 năm sau ngày giải phóng, vùng đất thép Tiên Phước (Quảng Nam) giờ đây ngày một “thay da đổi thịt”.

40 năm sau ngày giải phóng, vùng đất thép Tiên Phước (Quảng Nam) giờ đây ngày một “thay da đổi thịt”.

Người dân Tiên Phước đã tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Nhiều mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đã đem lại lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngày 10/3, huyện Tiên Phước đã vinh dự đón nhận Huân Chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước. Ảnh : Đỗ Trưởng - TTXVN


Mùa xuân năm 1975, Tiên Phước vinh dự được chọn làm nơi cùng với Buôn Mê Thuột nổ phát súng đầu tiên vào lúc 0 giờ ngày 10/3/1975, mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong gần 15 năm đấu tranh vũ trang trước đó, từ 1960-1975, quân và dân Tiên Phước đã đánh 17.858 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 34.500 tên địch, diệt gọn 7 đại đội, 25 trung đội, tiêu diệt 2 Chi khu Quân sự của cơ quan đầu não chỉ huy của địch tại hai huyện Tiên Phước và Hậu Đức.

Tại Tiên Phước, các xã Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Lộc, Tiên Lãnh, Tiên Sơn, Tiên Cẩm và Tiên Hà và hai liệt sỹ Trần Ngọc Sương và Lê Duy Đình đã được Đảng và Nhà nước tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 226 bà mẹ được truy tặng và tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 2.000 người con ưu tú hy sinh đã được công nhận là liệt sỹ; 16.716 cá nhân, gia đình được tặng thưởng Huân - Huy chương các loại; 307 cá nhân được tặng các danh hiệu “ Dũng sĩ diệt Mỹ”, “ Dũng sỹ diệt máy bay"…

Hoà bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Tiên Phước nỗ lực chung tay xây dựng quê hương. Tuy nhiên, do bị chiến tranh tàn phá, thêm vào đó do đặc điểm địa hình của địa phương chủ yếu là đồi núi, bán sơn địa vì vậy việc cải tạo vườn tạp để tiến tới xây dựng kinh tế vườn vẫn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2012, HĐND huyện Tiên Phước có Nghị quyết về thực hiện một số biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế vườn – kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2016, tầm nhìn đến năm 2020. Đây là bước ngoặt để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện Tiên Phước nỗ lực phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại với những giống cây bản địa như lòn bon, tiêu, thanh trà, quế, dó bầu…

Kỹ sư Tống Phước Thuần, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tiên Phước cho biết, để giải quyết những khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, lãnh đạo huyện đã xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng để giải quyết vấn đề nước tưới nhằm khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài làm thiệt hại cây trồng, tạo điều kiện thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước cũng tăng cường bám địa bàn, tổ chức quản lý chặt chẽ dịch bệnh cây trồng; kết hợp xây dựng các mô hình ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật về giống cây trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất; từng bước nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thông qua chế biến, đóng gói, đồng thời tổ chức tốt công tác tiếp thị trên nhiều phương tiện để tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến sản phẩm đặc sản của Tiên Phước...

Chính vì vậy, người dân trên địa bàn đã tin tưởng vào những chủ trương, chính sách của lãnh đạo huyện trong việc đẩy mạnh đầu tư, phát triển kinh tế vườn- kinh tế trang trại.

Ông Nguyễn Tùy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ những người trồng tiêu xã Tiên Phong cho biết, Tiên Phước là vùng đất đất đai không màu mỡ và chính vì vậy, người dân cần canh tác những cây trồng mang giá trị kinh tế cao. Được sự giúp đỡ của huyện cũng như các ngành chức năng, người dân xã Tiên Phong đã tập trung phát triển kinh tế vườn bằng cây tiêu.

Đối với gia đình ông Tùy, với diện tích đất vườn khoảng 2.500 m2 đến nay đã trồng 350 trụ tiêu. Do được hướng dẫn về kỹ thuật nên dịch bệnh xảy ra trên cây tiêu đều được loại trừ. Trong năm 2014, gia đình ông Tùy thu hoạch đựơc hơn 3 tạ tiêu, đem lại thu nhập khoảng hơn 150 triệu đồng. Chính nhờ cây tiêu mà gia đình ông đã nuôi đựơc 3 người con học hành đàng hoàng, hiện đã tốt nghiệp đại học và đã tìm được việc làm ổn định.

Không chuyên canh cây tiêu như hộ ông Nguyễn Tùy, ông Phạm Ngọc Lương (trú thôn 9, xã Tiên Mỹ) lại trồng xen canh cùng lúc nhiều loại cây với hình thức "lấy ngắn nuôi dài". Với mảnh vườn gần 5.000 m2, gia đình ông Lương trồng gần 200 bụi chuối lùn, qua đó đem lại nguồn thu nhập hàng ngày nhằm trang trải cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, ông còn tập trung trồng 70 trụ tiêu; gần 100 cây măng cụt; khoảng 30 cây sầu riêng, gần 40 cây mít Thái Lan và hơn 100 cây lòn bon… hàng năm đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng.

Kinh tế vườn, kinh tế trang trại phát triển, đời sống người dân Tiên Phước ngày càng đựơc nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 trên địa bàn huyện hiện còn 13,03%, giảm 3,84% so với năm 2013. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 3,31%, hiện còn 15,9%.

Gia đình ông Đặng Xuân Hòa, ở xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước) đã đầu tư nuôi lợn nái với hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho đồng bào Cor, trong đó xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi, hỗ trợ sản xuất đóng vai trò quan trọng. Đồng thời thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ nhà đất, đất ở, đất sản xuất, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức về giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa nhằm cải thiện đời sống, phát triển sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào. Huyện Tiên Phước phấn đấu đến hết năm 2015, toàn huyện sẽ có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tiên Phong, Tiên Cảnh và Tiên Sơn.

Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước khẳng định, để hỗ trợ người dân trên địa bàn đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, lãnh đạo huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ, đồng thời gắn với việc lồng ghép các dự án nông nghiệp của tỉnh và của các tổ chức phi chính phủ.

Hiện nay, người dân trên địa bàn Tiên Phước đang tập trung cải tạo vườn tạp. Huyện đẩy mạnh phát triển cây trồng bản địa như tiêu, thanh trà, lòn bon… cùng một số cây trồng thích nghi với thổ nhưỡng cũng như khí hậu của huyện, bước đầu đã đem lại thu nhập khá ổn định cho người dân vùng căn cứ cách mạng Tiên Phước. Quyết tâm của cán bộ và nhân dân huyện Tiên Phước trên lĩnh vực phát triển kinh tế vườn- kinh tế trang trại là trở thành huyện điểm của tỉnh Quảng Nam .

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, huyện Tiên Phước cũng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân trên địa bàn, nhất là những đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hiện nay trên địa bàn huyện đạt 43,8%; toàn huyện đã có trên 2.850 lao động được giải quyết việc làm mới, đạt 140% kế hoạch, trong đó lao động được giải quyết việc làm tại địa phương là 1.270 người. Huyện cũng đã rà soát đối tượng đề nghị tỉnh hỗ trợ xây mới, sửa chữa 995 ngôi nhà cho người có công.

Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng 25 nhà tình nghĩa với kinh phí 40 triệu đồng/nhà, sửa chữa 23 nhà với kinh phí 20 triệu đồng/nhà cho đối tượng chính sách, người có công. Huyện cũng vận động các cơ quan trong và ngoài huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng 9 nhà tình nghĩa, tặng 66 sổ tiết kiệm và tổ chức lễ truy tặng và phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 88 mẹ, trong đó có 15 mẹ còn sống…

Là căn cứ địa cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Tiên Phước anh hùng đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.


Nguyễn Sơn (TTXVN)