02:09 23/02/2015

Đổi thay ở những vùng quê nông thôn mới

Trong những năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp trên cả nước đã thực sự giúp nhiều vùng quê “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Trong những năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp trên cả nước đã thực sự giúp nhiều vùng quê “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Bài học kinh nghiệm được rút ra từ những xã điểm, huyện điểm của phong trào xây dựng nông thôn mới là phải gắn xây dựng nông thôn mới phát triển kinh tế của người dân, phải huy động được sức dân để tạo động lực cho chương trình.

Trường mầm non xã Dũng Nghĩa đạt trường chuẩn quốc gia cấp độ 2. Ảnh: Thu Hòai-TTXVN


Gắn xây dựng nông thôn mới với kinh tế phát triển

Sáng 24/1 tại Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và trao Bằng công nhận danh hiệu “Huyện nông thôn mới” cho huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Đây là thị xã và huyện đầu tiên của cả nước vinh dự đón nhận danh hiệu này sau hơn 4 năm cùng cả nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Theo UBND huyện Xuân Lộc, đến nay toàn huyện đã có 13/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng xã Xuân Trường đã đạt được 18/19 tiêu chí, 53/54 chỉ tiêu nông thôn mới và sẽ hoàn thành trong quý I/2015.

Chúng tôi về Xuân Lộc vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, không khí vui mừng xen lẫn tự hào hiện lên trên từng khuôn mặt của người dân nơi đây. Nhiều người dân ghi nhận, chương trình nông thôn mới đã thực sự làm “thay da đổi thịt” con người và mảnh đất này.

Chương trình nông thôn mới giúp nông dân Xuân Lộc chuyển đổi cây trồng sang thanh long ruột đỏ, nâng cao thu nhập. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Ông Đoàn Ngọc Hồng, ở ấp Tân Hưng hồ hởi cho biết: “Gia đình tôi sở hữu gần 2 ha đất canh tác. Trước đây, dù lao động cật lực nhưng thu nhập chỉ được vài chục triệu đồng một năm, từ các vụ bắp, mỳ. Sau đó tôi tự mày mò chuyển đổi sang trồng điều, chôm chôm nhưng cũng không đem lại hiệu quả”.

Theo ông Hồng, từ ngày thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, được hưởng thụ chương trình phát triển cây trồng chủ lực, được các kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm cây hồ tiêu. Khá bất ngờ, loại cây “vua” này rất thích hợp với vùng đất này, cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha, giúp người dân đổi đời.

Xuân Lộc cũng được biết đến là huyện đi đầu trong cả nước về phát triển mô hình kinh tế tập thể, toàn huyện có 27 tổ hợp tác hoạt động với 360 tổ viên, các tổ viên góp vốn được gần 500 triệu đồng để hợp tác tự sản xuất thức ăn chăn nuôi, phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đan lát, sản xuất cùng một loại cây trồng, nhằm tạo sức cạnh tranh trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

Các tuyến đường liên xã, liên thôn của huyện Xuân Lộc đều đạt chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Từ năm 2008 đến nay huyện còn phát triển được trên 300 câu lạc bộ (CLB) năng suất cao, nâng tổng số CLB toàn huyện hiện có 437 CLB với hơn 12.000 hội viên.

Theo bà Phạm Thị Biên, ngụ tại ấp Tân Hợp (xã Xuân Thành), từ khi xây dựng nông thôn mới, nông dân rất phấn khởi khi được tham gia vào CLB nông dân làm giàu.

“Được sự động viên khích lệ và hỗ trợ của các thành viên khác trong câu lạc bộ, gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi hàng trăm con lợn nái, lợn thịt. Ngoài ra, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi thêm bò và lợn rừng lai, thu nhập mỗi năm lên được trên 200 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với trước”, bà Biên cho biết.

“Hàng tháng, gia đình tôi còn được dự các buổi sinh hoạt, nắm bắt thông tin giá cả, thị trường tiêu thụ, từ đó tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm”, bà Biên cho biết thêm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, trong những năm tới cần tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng thiết yếu (giao thông, nước sạch, môi trường, y tế, giáo dục...) phù hợp với khả năng hiện có; bổ sung các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các mô hình phát triển sản xuất, liên kết sâu với doanh nghiệp nhằm gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Phấn đấu cao nhất thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đạt 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới.



Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền địa phương Xuân Lộc đã tạo nên những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Đến nay, nhiều vùng canh tác nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đã đạt giá trị sản xuất từ 100 triệu đồng đến 250 triệu đồng/ha/năm. Đời sống nhân dân được nâng cao. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31 triệu/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%. Chính vì những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên người dân hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương.

Bài học về huy động sức dân

Một trong những yếu tố làm nên thành công trong công tác xây dựng nông thôn ở nhiều địa phương là biết huy động sức dân, cùng đồng lòng với dân xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, về đích sớm hơn kế hoạch 4 năm.

Về Dũng Nghĩa hôm nay chúng tôi không khỏi bất ngờ, từ một xã khó khăn của huyện Vũ Thư đến nay xã đã có đường giao thông nông thôn rộng rãi, đường vào thôn xóm đều được trải bê tông sạch đẹp. Hiện nay, xã có hơn 6,5 km đường giao thông trục thôn, đường nhánh cấp 1 và nội đồng được làm mới với chiều rộng 3,5 m.

Ông Đỗ Trọng Biên, thôn Trà Động, xã Dũng Nghĩa vui mừng chia sẻ: “Từ ngày xã quyết tâm xây dựng nông thôn mới, dân phấn khởi lắm. Bây giờ chúng tôi có thể đi xe xuống tận ruộng vì đã có đường rộng, kiên cố, cuộc sống dần cải thiện hơn, công việc đồng áng cũng không còn vất vả nữa”.

Ông Nguyễn Mạnh Đoan, Chủ tịch UBND xã Dũng Nghĩa cho biết: Xã Dũng Nghĩa có trên 5.100 nhân khẩu với 1.600 hộ dân chia làm 4 thôn. Chương trình nông thôn mới được triển khai từ năm 2011 đã giúp đổi thay diện mạo kinh tế - xã hội của xã.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc thực hiện nông thôn mới của xã, ông Đoan cho biết: Những ngày đầu thực hiện nông thôn mới ở Dũng Nghĩa gặp khó khăn do người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của “cuộc cách mạng” này. Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhân dân đã chủ động phát huy vai trò chủ thể của mình. Nếu không có sự đồng thuận và quyết tâm cao thì nông thôn mới ở Dũng Nghĩa khó có thể vượt kế hoạch như hiện nay.

Người dân xã Dũng Nghĩa góp công, góp của để xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Ảnh: Thu Hòai- TTXVN


Trong công tác dồn điền, đổi thửa, mỗi hộ nông dân đã tự nguyện hiến 25m2/sào đất nông nghiệp (tổng toàn xã hiến 11,7 ha) và 60.000 đồng/khẩu để chỉnh trang đồng ruộng, đào đắp bờ vùng, bờ thửa. Việc dồn điền đổi thửa đã giúp tạo thuận lợi để người dân tiếp thu khoa học công nghệ vào sản xuất.

Đến nay, ngành nông nghiệp của xã phát triển theo hướng hiện đại hóa với mức độ cơ giới hóa sản xuất ngày càng cao. Các giống lúa có chất lượng cao được nông dân canh tác với hình thức gieo sạ, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn nên hiệu quả kinh tế tăng cao. Cuộc sống của nhân dân thay đổi rõ rệt với thu nhập bình quân đầu người đạt 26,75 triệu đồng/năm.

Nhờ kinh tế ngày càng phát triển, việc huy động sức dân trong phát triển hạ tầng nông thôn cũng gặp nhiều thuận lợi hơn. Tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới ở Dũng Nghĩa là hơn 92 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 10 tỷ đồng. Riêng trong việc thực hiện tiêu chí đường giao thông nông thôn, tùy tình hình thực tế ở khu dân cư mà mỗi gia đình đóng góp bình quân từ 1 - 3 triệu đồng. Hệ thống trường học của xã cũng được nhân dân đóng góp xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc học tập của học sinh. Từ đó, tỷ lệ con em trong xã đỗ đại học hàng năm tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đến hết năm 2014, cả nước có khoảng 785 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 8,7% trong tổng số 9.001 xã của cả nước. Dự kiến đến hết năm 2015 sẽ có ít nhất 17% số xã đạt chuẩn. Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông thôn Việt Nam so với giai đoạn trước.


Lê Hiền – Hữu Vinh – Nguyễn Lành