Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tịnh (1911 - 2011)

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tịnh (1911 - 2011).

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã mở đầu buổi lễ bằng diễn văn tưởng niệm nhà thơ Thanh Tịnh, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh: Trước năm 1945, Thanh Tịnh là một trong ba nhà thơ (Thanh Tịnh, Thạch Lam, Hồ Dzếnh) không chịu khuôn mình trong các khuynh hướng văn học, họ như tự đứng riêng ra một cõi. Thanh Tịnh, cái bút danh tự xem mình như một phật tử nhưng văn chương ông không có mùi kinh kệ, thường lấy tích xưa mà nung nấu và mài sắc chí phục thù của con dân mất nước. Ngoài thơ, ông còn viết văn xuôi và văn xuôi Thanh Tịnh mới thật giàu chất thơ, một di sản ngôn ngữ dân tộc trầm tích ngàn năm qua văn Thanh Tịnh mà trở nên uyển chuyển, đẹp mà ánh lên tâm tình người Việt.

Đánh giá về sự nghiệp của nhà thơ Thanh Tịnh, Giáo sư Phong Lê cho rằng: Thanh Tịnh là một chân dung đa hệ. Trước hết, ông là một nhà thơ mới, tác giả của tập thơ “Hận chiến trường” (1936) với hai bài “Mòn mỏi” và “Tơ trời với tơ lòng” được Hoài Thanh chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam... Ngoài thơ, Thanh Tịnh còn là tác giả của các tập truyện “Quê mẹ” (1939), “Ngậm ngải tìm trầm” (1941)... Hai tập truyện ngắn gợi rất nhiều ấn tượng, góp phần làm nên một dòng văn xuôi trữ tình đặc sắc gồm nhiều tên tuổi, với vai trò trụ cột là Thạch Lam. Cuối cùng, một phương diện của tài năng và sự nghiệp Thanh Tịnh còn là nghề báo, đó vừa là sự khởi nghiệp, vừa là sự kết thúc sự nghiệp của Thanh Tịnh trong ngót 60 năm hành trình nghề nghiệp của mình.

Nhà thơ Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, sinh ngày 12/12/1911, tại Huế, mất ngày 17/7/1988, tại Hà Nội. Ông đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” năm 2007.

Việt Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN