07:04 04/07/2011

Đời sống đồng bào Khmer đổi thay từng ngày

Các phum sóc xa xôi, cách trở của Sóc Trăng những năm gần đây đã bừng sáng ánh điện vào mỗi đêm. Những con đường được trải nhựa, bê tông hóa, làm cho diện mạo nông thôn Sóc Trăng thay da đổi thịt từng ngày, đồng thời giúp trình độ văn hóa của bà con dân tộc ngày càng được nâng lên.

Các phum sóc xa xôi, cách trở của Sóc Trăng những năm gần đây đã bừng sáng ánh điện vào mỗi đêm. Những con đường được trải nhựa, bê tông hóa, làm cho diện mạo nông thôn Sóc Trăng thay da đổi thịt từng ngày, đồng thời giúp trình độ văn hóa của bà con dân tộc ngày càng được nâng lên. Có thể thấy, ở Sóc Trăng, các chính sách về an sinh, xã hội đối với đồng bào dân tộc Khmer luôn rất được quan tâm chú trọng.

Công nhân Công ty Điện lực Sóc Trăng lắp công tơ điện cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer tại xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề. Ảnh: Ngọc Hà-TTXVN

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, tỉnh Sóc Trăng đã kéo điện sinh hoạt cho hơn 6.200 hộ dân; nâng tổng số hộ dân có điện trong toàn tỉnh lên hơn 285.000 hộ, trong đó có gần 63.000 hộ Khmer (chiếm gần 70% tổng số hộ Khmer trong toàn tỉnh). Tỉnh đã hỗ trợ trên 1.400 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc Khmer. Việc chỉ đạo tiến độ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo theo Quyết định 167, 67/QĐ-TTg tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc luôn được ưu tiên, công tác chăm lo cho các gia đình chính sách người Khmer cũng ngày càng được quan tâm.

Đến cuối năm 2011, tại huyện vùng sâu Ngã Năm, gần 100 hộ Khmer nghèo (trong tổng số 300 hộ nghèo trên địa bàn huyện) cũng sẽ nhận được những ngôi nhà kiên cố cùng ánh sáng điện lung linh. Theo ông Nguyễn Minh Huệ, Chánh Văn phòng huyện Ngã Năm, năm nay huyện có kế hoạch kéo điện tới 450 hộ, trong đó những hộ ở vùng sâu, vùng xa, các hộ là đồng bào dân tộc Khmer sẽ được xem xét ưu tiên trước.

Ở huyện Trần Đề, nơi có tỷ lệ đồng bào Khmer cao thứ 2 trong tỉnh, với trên 40% dân số là đồng bào Khmer, việc lập những mô hình kinh tế nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hằng ngày cho đồng bào chính là hướng đi của huyện. Tại đây, hợp tác xã (HTX) Evergrowth chuyên thu mua sữa bò và đầu tư chăn nuôi bò cho nông dân đang ăn nên làm ra. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Trần Đề, tính đến nay, HTX Evergrowth đã thu mua của huyện 898 tấn sữa bò tươi với giá 9.200đồng/kg, giúp người nuôi bò sữa có nguồn thu nhập đáng kể. Được biết, HTX Evergrowth khi mới thành lập có chưa đến 200 xã viên, đến nay đã tăng lên gần 1.000 xã viên, trong đó hơn 80% là người Khmer, tổng đàn bò gần 3.000 con. HTX đã giúp đồng bào Khmer thoát nghèo, ổn định được thu nhập, vươn lên làm giàu, nhiều hộ có thu nhập vài trăm ngàn đồng mỗi ngày từ sữa bò.

Những ngôi nhà sáng ánh điện, những con đường láng nhựa chạy dài tới những phum sóc vùng sâu đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương đối với đồng bào dân tộc.

Chanh Đa