04:10 28/04/2010

"Đội quân ma" - Kỳ 1: Đội quân của các nghệ sĩ

Sau khi quân đồng minh đổ bộ lên Normandie, mở mặt trận thứ hai để phối hợp với Hồng quân Liên Xô quyết chiến với phát xít Đức, một đơn vị đặc nhiệm của Mỹ được tuyệt đối giữ bí mật vào tham gia cuộc chiến bằng xe tăng và xe vận tải cao su..

Sau khi quân đồng minh đổ bộ lên Normandie, mở mặt trận thứ hai để phối hợp với Hồng quân Liên Xô quyết chiến với phát xít Đức, một đơn vị đặc nhiệm của Mỹ được tuyệt đối giữ bí mật vào tham gia cuộc chiến bằng xe tăng và xe vận tải cao su có thể thổi phồng lên nhằm đánh lừa quân đội Đức. Người ta cho rằng "Đội quân ma" này đã cứu được tính mạng của hàng chục nghìn binh sĩ.

Tháng 9/1944, hai dân thường người Pháp đi tới vùng biên giới với Lúcxămbua đã bị lính Mỹ chặn lại, tỏ vẻ nghi ngờ hỏi xem họ muốn làm gì, nhưng họ đâu có nghe thấy gì, vì những gì họ đang nhìn thấy đã làm họ kinh ngạc không nói nên lời: Họ thấy 4 người lính đi tới bên một chiếc xe tăng Sherman, cúi xuống, nhẹ nhàng nâng bổng chiếc xe tăng lên, quay sang hướng khác và lại đặt xuống.

Xe tăng, hành quân! Bốn binh sĩ nâng bổng một chiếc xe tăng cao su. Chiếc xe tăng giả này nhằm đánh lừa quân đội Đức về sức mạnh của quân đồng minh.

Nhưng những người lính Mỹ đó không phải có phép thần, cũng không phải có sức khỏe của một siêu nhân, mà chiếc xe tăng đó quả thực chỉ nặng khoảng 40 kg. Đó không phải là một chiếc xe tăng khổng lồ bằng thép, mà là bằng cao su. Như vậy, những người dân thường đó đã vô tình nhìn thấy một đơn vị tuyệt mật của Mỹ đang làm việc, đó là "Đơn vị đặc nhiệm số 23".

Trong nội bộ, đơn vị đặc nhiệm này thường được mệnh danh là "Đội quân ma" (The Ghost Army) hoặc "Đội quân cao su", vì hầu hết những "vũ khí" của họ đều được làm bằng cao su và có thể thổi phồng lên, trông giống hệt những khẩu cao sạ pháo, máy bay, xe tăng, xe Jeeps, xe tải... Những đơn vị "Đội quân ma" này có nhiệm vụ đánh lừa quân đội Đức, giả vờ là một tập đoàn quân hùng hậu tới 30.000 quân, được trang bị hỏa lực mạnh, cho dù trên thực tế họ chỉ có khoảng 1.00 người với những vũ khí thông thường hạng nhẹ.

Mất hàng tiếng đồng hồ để thổi... xe tăng

Jack Masey, một cựu chiến binh ở New York, năm nay đã 85 tuổi, khi đó có nhiệm vụ bảo dưỡng "kho vũ khí" bằng cao su đó, mỉm cười kể lại: "Theo quy định, dù trong bất kỳ tình huống nào, chúng tôi cũng không bao giờ được nhấc chiếc "xe tăng" lên và khênh qua đường, vì như thế có thể làm chúng tôi bại lộ". Nhưng trong thực tế, quy định đó thường bị phớt lờ, vì mỗi lần, chúng tôi lại phải tháo hơi, đóng gói vào ba lô và đi tới địa điểm mới lại thổi phồng lên, rất mất thời gian, mệt mỏi, vì không phải lúc nào cũng có máy bơm. Nhiều lần, binh lính phải dùng bơm xe đạp để bơm, hoặc thay nhau thổi bằng miệng hàng tiếng đồng hồ mới xong một chiếc "xe tăng".

Câu chuyện tưởng chừng chỉ có ở Hollywood đó lại phù hợp với logích của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, cũng là chiến trường của các cơ quan mật vụ. Tất cả các bên đều đua nhau tung tin thất thiệt, làm tài liệu giả, đánh lừa lẫn nhau. Ví dụ như tháng 5/1940, quân đội Đức Quốc xã đã thành công trong chiến thuật "Giương đông, kích tây", bất ngờ tấn công, phá vỡ phòng tuyến Sedan nên chỉ sau mấy ngày đã chiếm được nước Pháp.

Ngược lại, tại Bắc Phi, người Anh đã đánh lừa được vị tướng sa mạc của Đức là Erwin Rommel, cũng là một bậc thầy trong các thủ đoạn đánh lừa. Họ đã ngụy trang xe tăng thành xe tải và xe tải thành xe tăng, hoặc làm sân bay giả để đánh lừa máy bay do thám. Và trước ngày đổ bộ năm 1944, với một loạt bức điện vô tuyến giả, người Anh đã dựng lên thậm chí cả một số sư đoàn mà trên thực tế không tồn tại. Chính "Chiến dịch sự chịu đựng ngoan cường" đi vào huyền thoại này đã làm cho quân đội Đức tin rằng quân đồng minh sẽ đổ bộ lên Pas-de-Calais, chứ không phải lên Normandie. Sau chiến dịch đổ bộ thành công, Thủ tướng Anh khi đó Winston Churchill đã tự hào tuyên bố: Trong chiến tranh, sự thật luôn cần có "một vệ sĩ dối trá".

Nhưng cho tới tận ngày nay, rất ít người biết được việc quân đội Mỹ cũng đã sử dụng những phương pháp này - và nhiều tháng sau khi đổ bộ lên Normandie, họ vẫn còn sử dụng. "Đội quân ma" bí mật tới mức nhiều thập kỷ sau, nhiều cựu binh liên quan cũng không muốn nói về hoạt động của mình khi đó. Các văn kiện chính thức của Mỹ mãi tới giữa những năm 1990 mới được giải mật và hầu như không có tư liệu nào về chủ đề này.

Các nghệ sĩ - chiến binh

Bị lôi cuốn vì câu chuyện kỳ lạ của đơn vị bị lãng quên này, từ hai năm nay Rick Bayer, một người Mỹ đã đi tìm kiếm nhân chứng và tư liệu. Ông ta muốn làm một bộ phim tài liệu về một đơn vị quân đội đã chiến đấu thành công với những phương pháp hòa bình và có lẽ đã cứu được mạng sống của 40.000 binh sĩ qua việc đánh lừa quân đội Đức và ngăn cản họ tấn công. Ít nhất đó là con số ước tính của nhà báo Mỹ Jack Kneece trong cuốn sách "Đội quân ma của Thế Chiến II".

Jack Masey, một thanh niên có năng khiếu nghệ thuật, được tuyển mộ vào quân đội khi 18 tuổi và được đào tạo cho nhiệm vụ đặc biệt trong "Đội quân ma".


Tuy nhiên, nhà sử học John Zimmermann của Cục nghiên cứu Lịch sử quân sự ở Potsdam, Đức lại tỏ ra rất nghi ngờ về điều đó. Ông nói: "Trong các báo cáo của quân đội Đức không có gì cho thấy là họ biết gì về một đội quân như vậy hoặc là ảnh hưởng của nó tới việc tiến hành chiến tranh của Đức". Vậy phải chăng sự ngụy trang của đội quân này quá hoàn hảo? Hay là những chiến dịch đó rốt cuộc không có hiệu quả? Ông Zimmermann cho rằng vào cuối năm 1944, quân đội Đức không còn khả năng tiến hành các chuyến bay do thám, nên các chiến dịch như vậy hầu như không có ý nghĩa.

Nhưng đối với Jack Masey, đội quân siêu thực này tương đối nhanh chóng trở thành hiện thực, khi quân đội tuyển dụng anh vào năm 1943. Khi đó, anh mới 18 tuổi, vừa được nhận vào trường Trung học Âm nhạc và Nghệ thuật danh tiếng ở New York. Giới quân sự muốn tận dụng khả năng sáng tạo của anh.

Nhiều kỹ thuật viên âm thanh, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, diễn viên và những người làm công việc sáng tạo khác cũng đã được tuyển dụng cho "Đội quân ma". Một số người trong đó sau này đã trở nên nổi tiếng thế giới, ví dụ như họa sĩ Ellsworth Kelly, hoặc nhà thiết kế thời trang Bill Blass, mà Masey đã nhanh chóng kết bạn trong "Tiểu đoàn ngụy trang 603D". Cả Masey cũng làm nên sự nghiệp sau chiến tranh: Anh phác thảo viện bảo tàng và làm công tác điều phối cho chính phủ Mỹ trong việc xây dựng các gian triển lãm cho triển lãm thế giới Expo.

Văn Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Đón xem kỳ cuối: Hư hư, thực thực