12:14 11/12/2018

Đội ngũ cán bộ đối ngoại cần có sự chuyên nghiệp trong hoạt động hội nhập quốc tế

Sáng 11/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành thành viên.

Chú thích ảnh
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo cho biết các bộ, ngành đều chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ hội nhập, hợp tác quốc tế như tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương, quan hệ song phương; đăng cai tổ chức các sự kiện khu vực, quốc tế tại Việt Nam; rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hoàn thiện thể chế, chính sách trong nước để phù hợp với các cam kết quốc tế và khu vực mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh những nhiệm vụ đã được nêu trong báo cáo, tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông… đã báo cáo thêm về các hoạt động quốc tế của ngành mình; đề xuất các ý kiến cụ thể. Nhiều ý kiến làm rõ thêm thực tế thiếu hợp tác giữa các thành viên Ban chỉ đạo đối với những vấn đề liên ngành trong hội nhập quốc tế, cũng như còn cách hiểu khác nhau về hội nhập quốc tế. Đó là đến nay, vẫn chưa có cơ chế đánh giá hiệu quả với các chỉ số về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo. Việc thu thập số liệu gặp khó khăn dẫn đến tình trạng khó giám sát, đánh giá về mặt định lượng các hoạt động hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Nguồn lực bố trí cho công tác hội nhập quốc tế còn hạn chế. Đa phần các cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đều kiêm nhiệm.

Từ đề xuất của Thường trực Ban chỉ đạo, các bộ, ngành thống nhất sẽ chọn những vấn đề hội nhập quốc tế lớn của bộ, ngành mình để phối hợp với các thành viên khác trong năm 2019. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị các vấn đề/chuyên đề ưu tiên cần giải quyết để đưa vào các chương trình nghị sự ASEAN năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch; lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế vào công tác và kinh phí thường xuyên; củng cố quan hệ hợp tác song phương và các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, ASEM…

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ, ngành cần có cơ chế phối hợp nhịp nhàng hơn, xác định các nhiệm vụ trọng tâm để các thành viên phối hợp theo từng tháng, từng quý…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những năm qua, các bộ, ngành không chỉ tích cực, chủ động tham gia hội nhập, triển khai thực hiện nhiều cam kết mà còn đưa ra nhiều sáng kiến được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo Phó Thủ tướng, chủ động hội nhập không chỉ vì lợi ích của đất nước, dân tộc mà còn đóng góp cho hoà bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới; vì vây, các bộ, ngành cần tiếp tục phát huy, đặc biệt rất trách nhiệm khi tham gia đàm phán những Hiệp định, Điều ước quốc tế trong thời gian tới; tích cực trao đổi, thông tin với nhau. Từng bộ, ngành cũng cần tìm ra những lĩnh vực lợi thế, ví dụ như trong y tế, giáo dục, thực thi chính sách với dân tộc ít người… để hợp tác, hỗ trợ cho những nước kém phát triển, qua đó nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Đồng thời tham khảo kinh nghiệm, xu hướng quốc tế xử lý đối với những vấn đề đang gặp phải ở trong nước.

Phó Thủ tướng lưu ý ngoài những vấn đề chuyên môn, cần tính tới xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại, tăng cường hiệu quả tham gia ở các sự kiện, diễn đàn quốc tế ở ngoài nước, tham gia làm việc tại các tổ chức quốc tế. Đội ngũ cán bộ đối ngoại cần có sự chuyên nghiệp, hiệu quả khi triển khai các nhiệm vụ, công việc trong các hoạt động hội nhập quốc tế.

TTXVN/Báo Tin tức