06:07 14/06/2013

“Đồi Ngô” giữa lòng Hà Nội

Đó là đoạn clip phản ánh tiêu cực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013 tại trường THPT Quang Trung - Hà Đông (Hà Nội). Nhiều người ví, đây là vụ “Đồi Ngô” thứ hai và đoạn clip cho thấy cảnh phòng thi lộn xộn, thí sinh thản nhiên quay cóp, trao đổi bài...

Đó là đoạn clip phản ánh tiêu cực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013 tại trường THPT Quang Trung - Hà Đông (Hà Nội). Nhiều người ví, đây là vụ “Đồi Ngô” thứ hai và đoạn clip cho thấy cảnh phòng thi lộn xộn, thí sinh thản nhiên quay cóp, trao đổi bài, thậm chí làm bài hộ bạn trước mặt giám thị, ở buổi thi môn Toán và môn tiếng Anh (ngày 4/6). Bất chợt, nhiều người giật mình và hoài nghi với đánh giá của Bộ GDĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012-2013: Nghiêm túc, đúng quy chế!!!

 

Còn nhớ, trước kỳ thi THPT ít ngày, Bộ GD-ĐT đã bổ sung vào quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ quy định cho phép thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không có chức năng hiển thị và truyền phát thông tin vào phòng thi, để các em... phát huy vai trò chống tiêu cực thi cử. Chủ trương này lúc đầu đã không nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng với quy định cho phép thí sinh mang camera vào để quay phim vi phạm của giám thị (nếu có), Bộ GD-ĐT đã “đá quả bóng” trách nhiệm giám sát lên vai thí sinh, trong khi trách nhiệm đó phải thuộc về bộ.


Sự việc xảy ra ở điểm thi trường THPT Quang Trung phần nào đã làm giảm sự ồn ào về chủ trương nói trên của Bộ GD-ĐT, nhưng cũng cho thấy tiêu cực trong thi cử vẫn là một thực tế. Thử đặt vấn đề, nếu không có đoạn clip trên, thì dư luận liệu có biết được những tiêu cực xảy ra ở một hội đồng thi ngay giữa Thủ đô Hà Nội? Rồi biết đâu, trong thời gian tới, sẽ lại có thêm nhiều clip về tiêu cực thi cử khác được đưa ra ánh sáng? Cứ thử hình dung, nếu đoạn clip trên không xuất hiện, thì sự gian dối trong thi cử sẽ cứ mãi tồn tại. Bằng hành vi gian dối có thể giúp các em vượt qua được kỳ thi, nhưng tác hại của nó sẽ đeo đẳng các em suốt cả cuộc đời. Sự gian dối trong thi cử đồng nghĩa với sự kém cỏi trong tri thức và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của cả nền giáo dục.


Những gì được phản ánh qua clip, có thể thấy vi phạm ở hội đồng thi trên không nghiêm trọng như vụ “Đồi Ngô” ở mùa thi năm ngoái, cụ thể là không có dấu hiệu giải bài tập thể để cung cấp cho thí sinh. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề thì vẫn không thay đổi. Tại một số phòng thi, giám thị đã bỏ vị trí, thậm chí làm ngơ để mặc thí sinh quay cóp, trao đổi bài. Thật tiếc, sự việc tưởng sẽ không bao giờ còn lặp lại sau vụ “Đồi Ngô”, thì nó đã tái diễn trở lại, đó là sự coi thường kỷ cương của một bộ phận giám thị coi thi cũng như giám sát thi.


Nhìn nhận sự việc, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận, đây là hành vi thiếu trách nhiệm của một số giám thị coi thi. Mức độ sai phạm đến đâu sẽ được làm rõ và công khai trước công luận. Tuy nhiên, theo quyết định được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố ngày 13/6, các giám thị phòng thi để xảy ra tiêu cực chỉ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo; chủ tịch hội đồng thi, thanh tra viên phụ trách khu vực phòng thi và các giám thị ở ngoài phòng thi… nhận kỷ luật khiển trách!!! Quả là “giơ cao đánh khẽ”, nó không đúng với tinh thần chỉ đạo ngành GD-ĐT trước mùa thi.

 

Yến Nhi