12:20 05/12/2014

Đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực người học

Các đại biểu đã tập trung bàn về những yếu tố cần đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất năng lực ở các bậc học.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 29-NQ/TW8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo là “Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo”. Trong xu hướng chuyển đổi đó, việc đổi mới dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học đang được chú trọng.



Xác định rõ nhiệm vụ


Tại Hội thảo “Quản lý dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực: Vấn đề và giải pháp”, diễn ra ngày 5/12, tại Hà Nội; các đại biểu đã tập trung bàn về những yếu tố cần đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất năng lực ở các bậc học.


Theo PGS.TS Hà Thế Truyền (Học viện Quản lý giáo dục), để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh phổ thông; thì cần phải vận dụng dạy học theo tình huống, dạy học sinh định hướng hành động, tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá cũng phải chú trọng vào năng lực của người học (tư duy sáng tạo, vận dụng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống), với các phương pháp được áp dụng như: Quan sát, phỏng vấn sâu, hội thảo, nhật ký người học, hồ sơ học tập, bài tập lớn, đánh giá thực hành, học sinh tự đánh giá lẫn nhau. “Muốn làm được điều này cần nâng cao nhận thức giảng viên, tập huấn cho giảng viên; thiết kế lại chương trình đào tạo chú trọng mục tiêu hình thành năng lực cho người học và phối hợp với đổi mới kiểm tra phương pháp dạy và học”, PGS. TS Hà Thế Truyền cho biết.


PGS. TS Hà Thế Truyền cho rằng, sau năm 2015, nhà trường phổ thông cần thay đổi theo hướng: Quan tâm phát triển năng lực cá nhân; lấy học sinh làm trung tâm và việc đánh giá chỉ nhằm định hướng cho người học phương pháp học tập và con đường tiếp tục học tập. Để làm được như vậy, giáo viên phải có khả năng đáp ứng được đòi hỏi mới trong giáo dục và nhà trường phải hoàn toàn chủ động, làm chủ được trong việc tiếp cận này.


Còn đối với đào tạo bậc Đại học, TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, việc tiếp cận năng lực người học phải theo hướng trang bị cho người học một cách có hệ thống những tri thức khoa học cơ bản và chuyên ngành, các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghiệp vụ và phẩm chất, nhân cách cần thiết. Đổi mới xây dựng đề cương chi tiết học phần theo hướng tiếp cận năng lực. Cấu trúc của một đề cương chi tiết như một bản thiết kế giảng dạy và học tập được giảng viên và người học thống nhất thực hiện.


Cải cách đồng bộ


Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, để đạt được thành công trong quản lý dạy học chuyển tiếp từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, cần đổi mới đồng bộ các yếu tố nội dung chương trình, tổ chức giảng dạy và đánh giá xác thực. Cụ thể, giáo dục Việt Nam cần phát triển mô hình quản lý cơ sở giáo dục đào tạo theo mục tiêu chất lượng, vận dụng đúng quy trình quản lý chất lượng quốc tế.


Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc kiểm tra đánh giá, cần có sự phối hợp của nhiều đối tượng, từ cán bộ quản lý, giáo viên đến học sinh và phụ huynh học sinh. Nhiều phương pháp nâng cao hiệu quả đánh giá được các đại biểu đề xuất như tập trung bồi dưỡng giảng viên các kỹ năng, hình thức đánh giá; đa dạng hóa các hình thức như đánh giá bằng sản phẩm, dự án, đánh giá qua khảo sát thực tế.


“Sự phát triển của Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào việc hiện thực hóa Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có việc hiện thực hóa mục tiêu chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực phẩm chất người học. Với vai trò của mình, các nhà giáo dục hướng tới thực hiện mục tiêu theo tinh thần không chỉ chú trọng dạy chữ mà còn phải chú ý toàn diện cả dạy chữ, dạy người, dạy nghề”, một đại biểu khẳng định.


Linh Chi