04:12 21/04/2025

Đổi mới sáng tạo - Yếu tố làm nên kỳ tích

Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã chỉ rõ, đổi mới sáng tạo là một trong 3 trụ cột để đột phá phát triển.

Chú thích ảnh
Trung tâm đổi mới sáng tạo Công nghiệp 4.0 (IIC) thuộc Trường Quốc tế Miền Đông (Eastern International University) tỉnh Bình Dương - nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa của đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp phát triển đất nước: “Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta. Tuy nhiên, phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là “phương tiện quan trọng” để đạt tới mục đích. Đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật”. 

Nâng vị thế đổi mới sáng tạo Việt Nam

Những năm qua, lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam từng bước được nâng vị thế. Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023; duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. 

WIPO cũng ghi nhận Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Maroc). Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp. Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại); có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới cũng được WIPO đánh giá là điểm mạnh của Việt Nam gồm: Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); Số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).

Ở cấp quốc gia, Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và chính thức triển khai toàn quốc từ năm 2023. Đến năm 2024, Khung chỉ số PII đã được rà soát, điều chỉnh trên cơ sở khuyến nghị của chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO giới thiệu và căn cứ hiện trạng dữ liệu, bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương.

Chỉ số PII năm 2024 có 52 chỉ số thành phần, chia làm 7 trụ cột: Thể chế; Vốn con người và Nghiên cứu và Phát triển; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp; Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; Tác động.

Dữ liệu phục vụ xây dựng PII 2024 được thu thập từ hai nguồn chính là số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở Trung ương (có 39/52 chỉ số) và nguồn do các địa phương thu thập, cung cấp (có 13/52 chỉ số). 

Theo kết quả phân tích, đánh giá PII 2024, 10 địa phương dẫn đầu PII 2024 theo thứ tự là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bình Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) là bộ chỉ số tổng hợp duy nhất hiện nay cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Việc xây dựng chỉ số PII của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá rất cao. Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới xây dựng thành công chỉ số này.

Thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tóm tắt tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngày 15/4/2025. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã định nghĩa về đổi mới sáng tạo: “Đổi mới sáng tạo là ứng dụng công nghệ mới để tạo ra sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh, quản trị mới. Chỉ đến lúc này, khoa học công nghệ mới tạo ra giá trị thực tiễn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thay đổi cuộc sống người dân”. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới sáng tạo không chỉ là một ngành mới, mà là yếu tố quan trọng, phải được coi là động lực thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để kết nối khoa học và công nghệ vào thực tiễn, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, mang lại giá trị thực tiễn mạnh mẽ cho xã hội. Trong khi khoa học công nghệ đã được coi là quốc sách, thì đổi mới sáng tạo mới thực sự là yếu tố quyết định để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững trong nền kinh tế.

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đang được sửa đổi và dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào tháng 5/2025. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 95 điều, tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. 

Theo Bộ trưởng, lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với khoa học, công nghệ. Dự thảo Luật cũng bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm…

Đối với việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Dự thảo Luật có nhiều chính sách liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của mình, được chi cho các hoạt động đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc điều chỉnh dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo phải phục vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân. 

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước nhận định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là những động lực quan trọng giúp Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn cầu. Trong đó, khoa học công nghệ phải được đặt ngang tầm với khoa học, công nghệ, trở thành nền tảng thúc đẩy mọi lĩnh vực khác.

Thu Phương (TTXVN)