05:11 17/05/2017

Đổi mới phương pháp ôn thi dựa trên đề thi tham khảo THPT quốc gia 2017

Bộ đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) vừa công bố gồm 5 bài thi với 14 đề thi các môn. Từ đây, một số trường phổ thông đã điều chỉnh phương pháp ôn tập để sát với đề thi tham khảo hơn.

So với hai lần công bố đề thi dưới dạng đề minh họa, thì đây là lần đầu tiên giáo viên và học sinh được tiếp cận với định dạng đề thi như tại kỳ thi thật. 

Cụ thể, mỗi bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội có 120 câu, trong đó, mỗi môn thi thành phần có 40 câu, sắp xếp theo thứ tự. Đề thi của bài thi khoa học tự nhiên gồm 40 câu đầu tiên về môn lý; từ câu 41 đến câu 80 là môn hóa học; từ câu 81 đến câu 120 là môn sinh học. Với bài thi khoa học xã hội có thứ tự các môn thi thành phần lần lượt là lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.

Nhiều giáo viên, học sinh quan tâm đến đề thi trắc nghiệm môn Toán, Lịch sử. Ảnh: TTXVN.

Hai môn Toán, Lịch sử là hai môn thi chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm, được thầy cô và học sinh đặt quan tâm hàng đầu. Trong hai ngày đầu tiên tiếp cận với dạng đề thi tham khảo này, nhiều thầy cô đã bỏ thời gian ra để giải đề, phân tích hướng ôn tập cho học sinh.


Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội): “Chỉ còn hơn 30 ngày nữa là tới kỳ thi rồi nên nhiệm vụ quan trọng nhất là giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản, thành thạo kỹ năng làm bài. Đặc biệt với môn ngữ văn, thời gian làm bài năm nay rút ngắn từ 180 phút xuống còn 120 phút, nên việc làm thế nào để viết ngắn mà đủ ý là kỹ năng giáo viên cần quan tâm khi phổ biến tới học sinh”.


Một số giáo viên bộ môn Toán trong trường THPT Yên Hòa cũng đánh giá, theo đề thi tham khảo này, phần câu hỏi có thể giải bằng máy tính giảm xuống còn 10%, thay vì 30% như trước. Những câu hỏi như vậy chỉ chiếm 5 - 6 câu, ít hơn nhiều so với 2 đề thi trước do Bộ công bố. Do đó sẽ giảm bớt thời gian luyện - giải các câu hỏi bằng máy tính.


Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Toán trường phổ thông Quốc tế Việt Nam (Hà Đông, Hà Nội) đánh giá: “Với các bạn nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa dễ dàng đạt điểm trung bình. Bởi lần này, tính phân loại của đề rất rõ rệt. Có đến gần 30 câu là kiến thức cơ bản, đánh giá mức độ nhận biết kiến thức. 10 đến 15 câu là yêu cầu vận dụng kiến thức. Chỉ khoảng 5 câu là yêu cầu vận dụng kiến thức cao. Từ nay đến thời điểm thi, các thầy cô giáo sẽ hệ thống lại toàn bộ kiến thức lớp 12, lượng hóa thành câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm tương tự như đề thi tham khảo để các em luyện tập”.


Còn cô Nguyễn Thị Hội, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) cho biết: “Có 2 dạng câu hỏi được thầy cô giáo lưu ý để ôn tập cho học sinh trong thời gian tới là câu hỏi chọn đáp án đúng nhất và câu hỏi chứa từ khó hiểu”.


Các thầy cô giáo cho biết, toàn bộ kiến thức trong bộ đề thi tham khảo đều nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 12. Do đó rất cần học sinh phải tập trung ôn tập các kiến thức cơ bản để có thể đạt điểm từ mức trung bình trở lên.


LV (Báo Tin Tức )