07:21 21/07/2011

Đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương thức hoạt động

Sáng 21/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Trước phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ.

Sáng 21/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Trước phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm dự phiên khai mạc.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các bậc lão thành cách mạng, đại diện Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự.

Chủ tịch Quốc hội khoá XII Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn khai mạc kỳ họp. Ảnh: Trí Dũng -TTXVN.


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIII; quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước. Đây là công việc rất quan trọng, có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; thảo luận và thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 và Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011; xem xét Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011. Quốc hội sẽ xem xét Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Quốc hội khóa XIII phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương thức hoạt động, phấn đấu đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn và quyết định, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.

(Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng)

Báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Thắng lợi toàn diện và to lớn của cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc. Đây là tiền đề quan trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thắng lợi của cuộc bầu cử là sự thực hiện thành công chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tổ chức đồng thời cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày, ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức cán bộ, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức của nhân dân, gắn công tác bầu cử với việc thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội. Qua đó, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của chủ trương này với điều kiện hiện nay của đất nước ta.

Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự khai mạc kỳ họp thứ nhất. Ảnh: Trí Dũng -TTXVN


Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng thắng lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; nhiệt liệt chúc mừng các đại biểu Quốc hội và các đại biểu HĐND các cấp trong cả nước vừa trúng cử; hoan nghênh và cảm ơn toàn thể cử tri, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã hoàn thành trọng trách của mình trong cuộc bầu cử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng với những mục tiêu cao cả và nhiệm vụ nặng nề nêu trên, cả nước phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, coi đây là một nhân tố quyết định bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện mới, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, chúng ta phải không ngừng đẩy mạnh xây dựng và từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước, làm cho Nhà nước ta thật sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước phải được kiện toàn và đổi mới cả về cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, cải tiến phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khai thác tốt thuận lợi, nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức, đạt nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa.

Tổng Bí thư nêu rõ: Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và cá nhân từng đại biểu Quốc hội. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tăng thẩm quyền và năng lực hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong việc thẩm tra các dự án luật, các đề án, công trình quan trọng quốc gia. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có mối quan hệ công tác chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan, kịp thời trao đổi ý kiến về những vấn đề cần thiết để giải quyết có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chung và của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật. Đại biểu Quốc hội cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng Quốc hội khóa XIII sẽ đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công sứ mệnh của mình, tiếp tục ghi thêm mốc son mới vào lịch sử và tiến trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày nêu rõ: Cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị trong thời gian tới Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu, trong sạch, nói đi đôi với làm; phát huy dân chủ và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Báo cáo đã đề cập tới những kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội; đại biểu Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội

Báo cáo về “Tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực. GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,57%, mặc dù thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2010 và thấp hơn chỉ tiêu cả năm 2011 đã được Quốc hội thông qua nhưng đây là một nỗ lực rất lớn của cả nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Lạm phát có xu hướng giảm, xuất khẩu và thị trường hàng hóa trên đà tăng mạnh; thu ngân sách tăng khá (ước đạt khoảng 327.800 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm), bội chi ngân sách nhà nước giảm, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng; tăng trưởng kinh tế đạt mức hợp lý; an sinh xã hội được chú trọng.

Nhận định tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012 còn diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ những giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong 6 tháng cuối năm 2011, trong đó tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020. Chính phủ tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa thắt chặt nhằm giảm tổng cầu, giảm sức ép lạm phát; kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, bảo đảm ổn định cung - cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chính phủ thực hiện các biện pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Về bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ tập trung làm tốt hơn nữa để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả năm 2011, trong đó tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%. Chính phủ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của các bậc học trên cơ sở thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo; tổ chức có hiệu quả hơn các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, mở rộng bảo hiểm y tế theo lộ trình; xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế. Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt trước tình hình và diễn biến phức tạp, cần hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Cuối phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII Hà Văn Hiền thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.

Quốc hội khóa XIII sẽ có 1 Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch

Chiều 21/7, dưới sự điều hành của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu của 500 đại biểu Quốc hội với 99% số đại biểu tán thành.

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009. Trong năm 2009, Chính phủ đã thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế theo Nghị quyết của QH nhằm kích thích phát triển kinh tế có hiệu quả và giảm thuế 19 nhóm hàng hóa, dịch vụ, nhờ vậy đã góp phần chặn đà suy giảm kinh tế, tăng nguồn thu NSNN... Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi ngân sách bám sát nhiệm vụ chi theo dự toán được QH quyết định, đồng thời tập trung nguồn lực ngân sách tăng thêm so với dự toán để thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bổ sung kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2009 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XII Phùng Quốc Hiển trình bày đã nhất trí với những nội dung chủ yếu trong báo cáo Quyết toán NSNN năm 2009 của Chính phủ, đồng thời nêu lên những mặt hạn chế trong chính sách tài khóa năm 2009. Đó là việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí còn mang tính bình quân, chưa thật trúng trọng tâm cần khuyến khích, còn nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, không có thu nhập, chưa được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp... Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng nhận định, quyết toán NSNN năm 2009 có những tiến bộ so với những năm trước đây, đã thực hiện khóa sổ, lập báo cáo quyết toán ngân sách năm cơ bản đúng thời hạn. Công tác hạch toán kế toán, quyết toán NSNN của các bộ, ngành và địa phương phản ánh sát thực hơn về tình hình tài chính, ngân sách nhà nước, đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương và tuân thủ các quy định của Luật NSNN. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2009. Trong đó, tổng thu cân đối NSNN là 629.187 tỷ đồng. Tổng chi cân đối NSNN là 715.216 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn năm 2009 sang năm 2010). Bội chi NSNN là 114.442 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP (không bao gồm số chênh lệch thu lớn hơn chi của ngân sách địa phương).

Tiếp đó, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH khóa XII Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011.

Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH khóa XII đã trình bày Tờ trình về số Phó Chủ tịch QH và số Ủy viên Ủy ban thường vụ QH khóa XIII. Theo đó, Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII gồm 18 thành viên, trong đó có 1 Chủ tịch QH, 4 Phó Chủ tịch QH và 13 Ủy viên. Trong số 4 Phó Chủ tịch QH có 1 Phó Chủ tịch QH giúp Chủ tịch QH về lĩnh vực pháp luật - tư pháp; 1 Phó Chủ tịch QH giúp Chủ tịch QH về lĩnh vực kinh tế- tài chính; 1 Phó Chủ tịch QH giúp Chủ tịch QH về lĩnh vực văn hóa- xã hội; 1 Phó Chủ tịch QH giúp Chủ tịch QH về lĩnh vực quốc phòng – an ninh.

TTN