12:06 28/12/2016

Đổi mới khi tự chủ tài chính

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giao quyền cho các bệnh viện, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương đến giữa năm 2017, tất cả các bệnh viện công sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, việc tự chủ tài chính của các bệnh viện sẽ khiến người bệnh phải chi trả nhiều hơn.

Người bệnh được hưởng lợi

Trước những thông tin về việc các bệnh viện công sẽ hoạt động giống như một doanh nghiệp, nhiều người dân tỏ ra khá lo lắng. Ngồi chờ khám bệnh ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), chị Hồ Thị Nga chia sẻ: “Nếu các bệnh viện mà hoạt động theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu" thì e rằng mọi chi phí sẽ đổ lên người bệnh. Chi phí khám chữa bệnh ở bệnh viện tư cao nên những người nghèo như chúng tôi vẫn đến khám ở bệnh viện công, dù có phải chờ đợi cả ngày để khám”.

Người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi các bệnh viện hướng đến tự chủ tài chính.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khi các bệnh viện bắt buộc phải tự chủ, giá cả dịch vụ y tế sẽ tăng cao, điều này gây ảnh hưởng lớn đối với những người bệnh chưa kịp mua BHYT. Còn những người có BHYT sẽ không bị ảnh hưởng, ngược lại còn được hưởng nhiều dịch vụ tốt hơn, bởi được BHYT chi trả, người nghèo và người cận nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ. "Để có thời gian cho những người chưa kịp mua BHYT, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ giữ nguyên giá dịch vụ trong 6 tháng đầu năm. Đến 1/7/2017, có 32 bệnh viện trung tâm và 23 bệnh viện quận, huyện sẽ tự chủ hoàn toàn", ông Bỉnh cho biết.

Còn bác sĩ Lê Hoàng Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh cho rằng, việc các bệnh viện tự chủ tài chính và chính sách thông tuyến của BHYT sẽ đẩy các bệnh viện phải thay đổi, phải cải tiến chất lượng nhiều hơn để thu hút bệnh nhân đến với bệnh viện của mình. Bệnh viện nào càng có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị thì bệnh viện đó sẽ được BHYT chi trả nhiều hơn. Khi có nguồn kinh phí, các bệnh viện sẽ tái đầu tư trang thiết bị y tế, trả lương cho nhân viên y tế cao hơn và thu hút bác sĩ giỏi đến với bệnh viện, từ đó người bệnh sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, khi bệnh viện tự chủ tài chính, Nhà nước sẽ không bao cấp cho các bệnh viện nữa mà lấy nguồn quỹ đó mua BHYT cho những người nghèo và hỗ trợ đối tượng có BHYT. Để tồn tại được, các bệnh viện sẽ phải cải tiến chất lượng và phải làm tốt để tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. Như vậy, người bệnh sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi các bệnh viện tự chủ tài chính.

Tự thân đổi mới

Là một trong những bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, Bệnh viện quận Bình Thạnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và có hướng đi riêng. Từ đó, lượng bệnh nhân tới bệnh viện khám cũng không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2011, bệnh viện chỉ khám cho khoảng 1.800 lượt bệnh nhân/ngày, thì năm 2016 đã lên đến hơn 3.000 lượt bệnh nhân/ngày.

Bác sĩ Lê Hoàng Quý cho biết, bắt đầu từ năm 2011, bệnh viện đã có những bước chuẩn bị để đến năm 2015 bệnh viện bắt đầu thực hiện tự chủ tài chính. Bệnh viện nằm ở khu vực trung tâm, cự li đến các bệnh viện tuyến chuyên khoa rất gần, bên cạnh đó diện tích bệnh viện nhỏ hẹp, không thể nào phát triển chuyên khoa sâu như bệnh viện tuyến trên, do đó chiến lược phát triển của bệnh viện theo mô hình khám chữa bệnh ngoại trú. Song song đó, để thu hút người bệnh đến với bệnh viện, bệnh viện đã không ngừng cải tiến quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. "Từ những giai đoạn đầu hướng đến tự chủ tài chính, bệnh viện luôn đặt người bệnh là trung tâm, xem người bệnh là ân nhân. Đến giai đoạn này, bệnh viện không chỉ hướng đến sự hài lòng của người bệnh mà còn phải hướng đến sự hài lòng của cán bộ công nhân viên. Song song đó, trong quản lý điều hành ngân sách, chúng tôi cũng đã tăng thu, tiết kiệm chi", bác sĩ Quý cho biết.

“Khi hướng tới tự chủ tài chính sẽ có một sự cạnh tranh giữa các bệnh viện với nhau và chất lượng bệnh viện sẽ được nâng lên. Nếu các bệnh viện không nâng lên thì bệnh viện đó sẽ xuống cấp, cán bộ sẽ bỏ đi nơi khác và bệnh nhân sẽ không đến”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định.

“Trước những thách thức đó, trách nhiệm của ngành y tế thành phố phải tập trung phát triển đồng đều giữa các bệnh viện, làm sao cho mỗi quận, huyện đảm bảo được nhu cầu điều trị của người dân trên địa bàn", ông Bỉnh cho biết thêm.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sẽ có một lộ trình cho những bệnh viện quận, huyện trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Theo đó, ở giai đoạn đầu, những cơ sở y tế có khả năng khám chữa bệnh thấp sẽ được ngành y tế thành phố hỗ trợ tiền lương nhân viên, hoàn thiện trang thiết bị, phân bố nhân lực để theo kịp xu thế chung. Riêng đối với các trung tâm y tế không giường bệnh, thành phố sẽ tài trợ một phần.
Bài và ảnh: Đan Phương