08:10 15/08/2019

Đổi mới công tác tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức theo hướng công khai, minh bạch 

Ngày 15/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ và Thông tư 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì Hội nghị. 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các văn bản quy định của Chính phủ về công tác cán bộ, quản lý viên chức trong Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ. 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, đồng bộ, thống nhất, bên cạnh những giải pháp cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng cần tăng cường trao đổi, tập huấn để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc đặt ra khi áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật. Việc tổ chức tập huấn là cần thiết đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyển dụng công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đây cũng là dịp để các đại biểu trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. 

Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức Trương Hải Long cho biết, Nghị định 161/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 03 Nghị định (Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp).

Nghị định 161 có nhiều điểm mới rất quan trọng, trong đó nghiên cứu đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo hướng tổ chức thi thực chất, công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. 

Các cơ quan sử dụng công chức, viên chức được xác định điều kiện tuyển dụng các công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, tuy nhiên không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập. Quy định nêu trên được hiểu là sẽ không còn sự phân biệt giữa bằng chính quy và bằng tại chức, văn bằng 2, bằng đào tạo từ xa… khi tuyển dụng công chức, viên chức.

Theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP, một số đối tượng thi tuyển công chức, viên chức không còn được hưởng nhiều điểm ưu tiên như trước đây. Nếu như trước đây, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Anh hùng Lao động… được cộng 30 điểm vào điểm thi tuyển hoặc xét tuyển, nay chỉ còn được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi vòng 2. Tương tự, người dân tộc thiểu số, sỹ quan quân đội, công an; quân nhân chuyên nghiệp, con thương binh, liệt sỹ… cũng chỉ còn được cộng 5 điểm vào kết quả thi vòng 2, thay vì 20 điểm vào tổng điểm.

Việc nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức mà nhiều năm qua là nhiệm vụ của Bộ Nội vụ nay đã được phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định tổ chức thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính. 

Đặc biệt, khác với Nghị định 29/2012/NĐ-CP, Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định khá chi tiết về hợp đồng làm việc của viên chức. Viên chức được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập phải ký hợp đồng làm việc lần đầu từ đủ 12 tháng - 36 tháng. Sau khi hết thời hạn này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xem xét quyết định ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc. Nếu ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn, sau khi hết hạn hợp đồng, người đứng đầu đơn vị phải xem xét ký tiếp hợp đồng không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã giải thích nhiều thắc mắc, đưa ra hướng giải quyết cho những khó khăn trong quá trình tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị và địa phương...

Đỗ Bình (TTXVN)