12:20 29/12/2017

Đổi mới công tác dự báo thời tiết theo hướng hiện đại

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.

Nhân viên Phòng Dự báo thời tiết tổng hợp số liệu, theo dõi thời tiết thông qua những hình ảnh vệ tinh. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia Lê Hồng Phong nhấn mạnh: Năm 2017, thời kỳ đầu năm, nền nhiệt độ trên cả nước cao, các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện với tần suất thấp và không kéo dài, nắng nóng diễn ra kỷ lục ở nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ; tháng 10, tháng 11 mưa lớn trên diện rộng, liên tục kéo dài ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và các tỉnh Trung Bộ; bão xuất hiện nhiều trên Biển Đông tập trung vào những tháng cuối năm, ảnh hưởng phần lớn ở khu vực Trung Bộ.

Tính đến ngày 20/12 có 4 áp thấp nhiệt đới và 16 cơn bão hoạt động ở Biển Đông, trong đó có 2 áp thấp nhiệt đới và 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt cơn bão số 10 (Doksuri) đổ bộ vào khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình (Nam đèo Ngang) có sức gió mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15; cơn bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa có sức gió giật mạnh cấp 12 - 13; bão số 16 là cơn bão đầu tiên trong lịch sử ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Nam Bộ trong tháng 12.

Bên cạnh đó, 20 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, gây ra tình trạng rét đậm, rét hại diện rộng ở các tỉnh miền Bắc, nhiệt độ thấp nhất tại Sìn Hồ (Lai Châu) xuống đến -0,20 C.

Cả nước có 15 đợt nắng nóng diện rộng, năm 2017 xuất hiện những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, khu vực nắng nóng đặc biệt gay gắt không chỉ xuất hiện ở vùng núi phía Tây miền Trung, mà còn xảy ra ở cả vùng đồng bằng Bắc Bộ...

Bên cạnh đó, các đợt mưa diện rộng, lũ... cũng ảnh hưởng khá lớn đến các khu vực trong cả nước.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự báo, dự báo kịp thời mọi diễn biến thời tiết, thủy văn nguy hiểm như tình hình lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... phục vụ sản xuất, đời sống và công tác phòng, chống thiên tai; đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị thẩm định, trình phê duyệt dự thảo 9 Thông tư được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao năm 2017.

Đặc biệt, Trung tâm đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng thủy văn để trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành...

Năm 2017, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đã thực hiện công tác tinh giản biên chế đối với 86 viên chức; thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi chức năng cho 200 người...

Công tác hợp tác quốc tế được tăng cường, mở rộng, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đã phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới tổ chức thành công nhiều cuộc họp, đưa vào vận hành 2 ra đa thời tiết thế hệ mới do Chính phủ Nhật Bản tài trợ tại Hải Phòng và Nghệ An, góp phần nâng cao chất lượng dự báo trên khu vực. Trung tâm cũng tích cực triển khai thực hiện dự án do Chính phủ Phần Lan hỗ trợ để năm 2018 có thêm 5 ra đa thời tiết công nghệ mới và nâng cấp 3 ra đa thời tiết khác được đưa vào hoạt động đồng bộ mạng lưới ra đa thời tiết trên phạm vi cả nước.

Năm 2017 có nhiều khó khăn và tồn tại, việc cải tiến và đa dạng hóa bản tin, chuẩn hóa mẫu bản tin đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng. Dự báo định lượng mưa lớn trong trường hợp cực đoan là vấn đề chưa giải quyết được không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Cơ quan dự báo ở các nước tiên tiến cũng chỉ đưa ra dự báo xác suất có thể xảy ra bao nhiêu phần trăm. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể. Thực tế, ngoài lượng mưa, cường độ mưa thì lũ quét và sạt lở đất còn có nguyên nhân từ nhiều yếu tố khác như: Địa hình, địa chất, thảm thực vật, khai thác sử dụng đất...

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia Lê Hồng Phong cho biết: Năm 2018, sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đơn vị trực thuộc, tăng cường năng lực, vai trò quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; đồng thời tập trung nghiên cứu, đề ra giải pháp đổi mới phương thức quản lý, xây dựng hoàn thiện chính sách, cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác dự báo thời tiết đổi mới theo hướng hiện đại, tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Bản tin dự báo thời tiết được thể hiện chi tiết đến từng thành phố, thị xã trên toàn quốc. Theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như: Áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nước biển dâng, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo phòng, chống lụt bão.

Cũng trong năm 2018, ngành đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020 “Tập trung hiện đại hóa, tự động hóa trong đo đạc quan trắc phục vụ dự báo”, thực hiện xã hội hóa trong phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tăng nguồn số liệu đo mưa, gió tự động phục vụ dự báo phòng chống thiên tai.

Thu Hà (TTXVN)