01:22 25/01/2017

Đổi mới cách làm, mang lại hiệu quả toàn diện

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Việc thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ năm đầu sẽ là tiền đề quan trọng để triển khai nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Hà Giang đã xác định ưu tiên nguồn lực thực hiện chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục cắt giảm đầu tư công và tiết kiệm chi... Từ những chỉ đạo quyết liệt và toàn diện mà tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang trong năm 2016 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang cho biết: Với quan điểm là tiếp tục đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với cách tiếp cận giải quyết phát triển bền vững; cắt giảm đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư, Hà Giang đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án "tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh kiểm tra cơ sở sản xuất gạo chất lượng cao của huyện Quảng Bình ,Hà giang
 
Tỉnh từng bước tổ chức lại sản xuất cho nông dân, phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới và mô hình hợp tác xã có hiệu quả trên cơ sở toàn diện, đồng bộ từ kinh tế đến văn hóa xã hội, quản lý xã hội và củng cố hệ thống chính trị ngay từ thôn bản. Công tác quản lý về đầu tư công được quản lý chặt chẽ, ưu tiên các công trình trọng điểm, cấp bách và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, triển khai thủ tục đầu tư và thu hút đầu tư một số dự án trọng điểm, công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức Ngày hội khởi nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin đã từng bước tạo thành nguồn lực và tạo ra phương pháp điều hành mới. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động; công tác xúc tiến quảng bá du lịch được tăng cường. Đặc biệt là các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, du lịch, kinh tế biên mậu đã phát huy hiệu quả, tạo đà cho phát triển bền vững. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước 5.126,7 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá, ước cả năm đạt 1.858,2 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2015.
 
Tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chú trọng các giải pháp tuyên truyền, vận động duy trì sỹ số học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ ở cơ sở; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng.

Mùa vàng Hoàng Su Phì, Hà Giang.
 
Công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân tiếp tục được tăng cường; mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến được củng cố, ổn định; chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục được quan tâm đầu tư.
 
Việc tổ chức thành công Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ II, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại Hà Giang, Hội thảo về vai trò những giá trị tiến bộ của tín ngưỡng dân gian trong quá trình xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới ở tỉnh Hà Giang... đã một lần nữa tạo dấu ấn tốt đẹp trong mắt du khách gần xa. Công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được chú trọng... Đây cũng chính là nguồn lực quan trọng cho mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Những nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã góp phần để đời sống của đồng bào được nâng lên. Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, thu hút sự tham gia tích cực, trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đa số người nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 39,35% (giảm 4,3% so với năm 2015). Các chương trình, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm và xuất khẩu lao động được thực hiện hiệu quả; các chế độ chính sách đối với người có công được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng. Công tác bảo trợ xã hội, cứu đói giáp hạt, thăm và tặng quà các đối tượng chính sách được thực hiện tốt.
 
Để có được những kết quả đó, năm 2016 Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục giữ vững và khẳng định là trung tâm đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo; duy trì thực hiện tốt cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quy chế làm việc, phát huy vai trò tham mưu của các ban đảng, cấp ủy, tổ chức đảng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thể hiện sự toàn diện, quyết tâm, quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo, phát huy hiệu quả và tạo sự lan tỏa.
 
Chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã có tác động tích cực, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, chất lượng công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
 
Một mùa xuân mới đang về trên khắp các nẻo biên cương của Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, chào đón Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 với thế và lực mới.
Minh Tâm