05:16 18/05/2021

Đổi mới cách kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản trong mùa dịch COVID-19

Ngày 18/5, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2021 bằng hình thức song song trực tiếp và trực tuyến, với 31 điểm cầu từ các tỉnh, thành trong nước, trên 10 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 200 đầu mối nhập khẩu quốc tế và hơn 50 doanh nghiệp phân phối lớn truy cập trong nước.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. 

Về phía đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Hải Dương trong việc ứng dụng công nghệ thông qua việc tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là hội nghị có quy mô lớn với đông thành phần tham dự trong việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức hội nghị bằng hình thức song song trực tiếp và trực tuyến là cách làm sáng tạo của địa phương, là phương thức tiếp cận phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó, tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thời gian tới, Hải Dương cần đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp, phát triển công nghệ chế biến để phù hợp với thị hiếu và xu thế tiêu dùng khác nhau của nhiều thị trường. Cùng với đó, tích hợp đa giá trị vào một sản phẩm, giúp tăng gấp đôi, gấp ba giá trị từ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Chú thích ảnh
Khởi động “Chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử” thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tích cực đồng hành với Hải Dương trong tiêu thụ nông sản nói chung; trong đó, có sản phẩm quả vải thiều. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đang phát triển theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm, phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh hiện rất đa dạng, tiêu biểu, có chất lượng cao như vải thiều Thanh Hà, nhưng, việc tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, vẫn có hiện tượng ứ đọng khi chính vụ. 

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh cho các vị khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản đặt ra thách thức lớn đối. Hội nghị xúc tiến tiêu thụ với quy mô quốc tế và khởi động Chương trình đưa vải thiều Thanh Hà, nông sản của Hải Dương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử được tổ chức nhằm khẳng định sự quyết tâm của tỉnh trong việc triển khai tốt từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản.

Về phía Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, đơn vị đã xuất khẩu thành công nhiều nông sản Việt Nam sang 25 quốc gia trên thế giới đánh giá, Hải Dương có nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; trong đó, có vải thiểu Thanh Hà. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: “Sự quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của nông dân tỉnh Hải Dương đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu vải. Năm 2020, chúng tôi đã đưa vải Hải Dương chinh phục thành công thị trường Nhật Bản. Thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ tập trung nguồn lực và đồng hành với Hải Dương mang nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh ra thế giới”.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh cho các vị khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Đại diện sàn thương mại điện tử Lazada cho rằng, tỉnh Hải Dương còn rất nhiều tiềm năng trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đơn vị này sẽ tích cực phối hợp với tỉnh hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng người dân tiếp cận với hình thức thương mại điện tử, từ đó có thêm kênh kinh doanh hiệu quả và tăng thu nhập.

Theo ước tính, năm 2021, tổng sản lượng cây ăn quả của Hải Dương đạt 260.000 tấn; trong đó, khoảng 55.000 tấn vải quả, 65.000 tấn ổi, 15.000 tấn na và 125.000 tấn các loại trái cây khác. Trước đó, năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, vải thiều xuất khẩu của Việt Nam đạt 98.000 tấn, chiếm gần 50% sản lượng của cả niên vụ; trong đó, riêng tỉnh Hải Dương là 25.000 tấn.

Về thị trường tiêu thụ trong nước, bên cạnh duy trì các thị trường lớn như: Hà Nội, TP  Hồ Chí Minh, tỉnh sẽ phát triển song song các thị trường mới ở miền Trung, Tây Nguyên. Với thị trường xuất khẩu, Hải Dương tập trung nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường hiện nay như: Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pháp, Malaysia, Mỹ, châu Âu, Australia, Singapore, Nhật Bản… và đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm thị trường mới.

Tỉnh Hải Dương đã có 75 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao và 4 sao. Sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng chủng loại như: thực phẩm tươi sống, chế biến, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chức năng...

Mạnh Minh (TTXVN)