12:07 05/12/2012

“Đối mặt với B-52”: Tái hiện những khoảnh khắc hào hùng

Ngày 4/12/2012, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ cùng nhóm tác giả đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách ảnh “Đối mặt với B-52” và gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử của 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.

Ngày 4/12/2012, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ cùng nhóm tác giả đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách ảnh “Đối mặt với B-52” và gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử của 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.


Với sự góp mặt của 116 nhân chứng (trong đó hơn 1/4 là nhân chứng dân sự) cuốn sách “vẽ” lên chân dung một Hà Nội đối mặt với B-52, những đau thương mất mát, những cách thích ứng linh hoạt đến khó tin của người dân Hà Nội. Cuốn sách cũng là một cách mới để người đọc tiếp cận với lịch sử.

 

Chân dung một Hà Nội đối mặt với B-52


Diễn viên Mỹ nổi tiếng, Jane Fonda, đã viết trong hồi ký khi kể về những ngày bà đến Hà Nội năm 1972: “Chúng tôi lái xe xuyên thành phố đến Bệnh viện hữu nghị Việt-Xô để tôi khám chân… Phiên dịch trong ngày của tôi là Chi. Cô nói với các bác sĩ tôi là người Mỹ, và câu giới thiệu này gây xôn xao xung quanh. Tôi tìm một biểu hiện hằn thù trong mắt những người tôi thấy. Nhưng tuyệt nhiên không có gì. Những ánh - mắt - không - hận - thù ấy ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt...”.


 


Và ngay trong lời tựa đề của nhà xuất bản đã khẳng định, cuốn sách không phải để thuật lại một chiến thắng quân sự lẫy lừng. Cũng không phải là một thiên hùng ca tuyên truyền... Đơn giản là cuốn sách tạo cơ hội cho người đọc ngày nay gặp “những con người Hà Nội không hận thù” như Jane Fonda đã viết, những người đã sống một cuộc sống quả cảm, cho dù trước mặt là bất cứ thách thức nào.


Những chuyến sơ tán, những đống đổ nát hoang tàn, những mảnh bom đạn vương vãi khắp thành phố hòa quyện trong máu và nước mắt… được tái hiện rõ nét trong cuốn sách “Đối mặt với B-52, Hồi ức Hà Nội 18-29/12/1972”. Với 3 phần, cuốn sách đi theo mạch thời gian từ thời điểm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, dựng lại bối cảnh cuộc sống của người Hà Nội những năm 1966 -1972 và quá trình Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu làm thế nào để hạ được "pháo đài bay" B-52. Tiếp theo là quãng thời gian 12 ngày đêm với cuộc chiến chống lực lượng hùng hậu máy bay của Không quân và Hải quân Mỹ cũng như sự đối phó của những người Hà Nội còn ở lại Thủ đô. Và phần III là câu chuyện của Hiệp định Pari dưới tác động của “Điện Biên Phủ trên không” cũng như điểm qua quá trình đàm phán gần 5 năm của cuộc chiến ngoại giao gian khổ lâu dài hiếm có để có được hòa bình lập lại trên miền Bắc; hồi tưởng về cuộc sống ở Hà Nội những ngày hòa bình trở lại đó...

 

Cách mới để tiếp cận lịch sử


Chia sẻ ý tưởng viết nên cuốn sử sách sử bằng ký ức và hình ảnh, chị Đào Thanh Huyền, một trong 4 tác giả cho biết: “Năm 2009, nhóm chúng tôi có ra 1 cuốn sách cùng nằm trong nhóm chủ đề này mang tên “Truyện những người làm nên lịch sử” xoay quanh trận Điện Biên Phủ trên mặt đất. Sau khi hoàn thành tác phẩm này, chúng tôi nhận thấy sách viết dạng hồi ức rất hay và nếu có điều kiện chúng tôi sẽ tiếp tục xuất bản những cuốn khác. Đầu năm 2010, chúng tôi bàn với nhau chọn đề tài và đến cuối năm chúng tôi quyết định viết về trận “12 ngày đêm tại Hà Nội”.


Cũng theo chị Đào Thanh Huyền, chuyện kể lại chiến tranh ra sao, diễn ra như thế nào thì ai cũng có thể kể được, dù là bộ đội hay dân thường, nhưng trong “Đối mặt với B-52”, nhóm tác giả không nhấn mạnh quá vào yếu tố chiến tranh như thế nào, đau thương mất mát của chiến tranh ra sao mà ưu tiên cho việc những người Hà Nội đã sống qua 12 ngày đêm đó như thế nào.


Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không - Không quân, một trong 4 tác giả của cuốn sách chia sẻ: Quá trình làm cuốn sách vô cùng vất vả. Riêng việc tìm địa chỉ và lập danh sách các nhân chứng đã mất 3 tháng. Thời gian tìm gặp 116 nhân chứng mất gần 2 năm. Trong quá trình tiếp xúc, gặp gỡ nhân chứng, với mỗi người, ông đều được nghe những câu chuyện cảm động. Xúc động nhất là lần gặp gỡ cụ Nguyễn Thị Hảo (xã Thượng Thanh, Gia Lâm), năm nay đã 105 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn.

 

Cụ Hảo kể, năm 1972, cụ 62 tuổi, nhà ngay gần trận địa pháo cao xạ. Cụ coi bộ đội như con, hàng ngày mang cơm nước lên trận địa, rồi nhà có gì, từ ngô, khoai, sắn... đều mang lên cho các chiến sỹ. Hay như khi nghe chuyện của bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch xã Uy Nỗ, Đông Anh, năm ấy vừa cưới chồng được mấy ngày đã trở thành góa phụ bởi bom rơi đúng vào trận địa nơi chồng bà chiến đấu... Điều khiến ông Mai cũng như nhóm tác giả tiếc nuối nhất, đó là do thời gian khá lâu, rất nhiều nhân chứng không tìm được. Cũng có những người khi ông tìm đến thì đã không còn trò chuyện được nữa...


Vẫn biết, lịch sử có nhiều cách để tiếp cận, nhưng rõ ràng, hình thức tái hiện lịch sử qua lời kể của nhân chứng này đã đem đến cho độc giả một cách cảm nhận lịch sử dân tộc một cách gần gũi, chân thực và sống động giống như ông bà, bố mẹ kể lại chuyện cho con cháu nghe. Và có lẽ, đây là cách để thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận với lịch sử đấu tranh giữ nước hào hùng của dân tộc.

 


Phương Lan