06:11 24/06/2020

Độc đáo với kiến trúc và lịch sử hấp dẫn của quần thể Nhà lớn Long Sơn

Nhà lớn Long Sơn hay còn gọi là đền ông Trần (xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu. Đây được xem là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Toàn bộ quần thể Nhà lớn Long Sơn được xây dựng với phong cách pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian (trời, đất) với Nho giáo, Lão giáo của Khổng Tử. Quần thể kiến trúc khép kín này có nhiều công trình được chia thành ba khu riêng biệt như: Khu nhà thờ, khu lăng mộ ông Trần và một quần thể bao gồm nhiều nhà chức năng khác nhau như trường học, nhà chợ, nhà mát (dành cho ngư dân tránh mưa nắng), các dãy phố (dành cho lưu dân mới đến chưa có nhà ở), kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, nhà bảo tồn ghe Sấm (một trong năm chiếc ghe đầu tiên đưa đoàn ông Trần đến đảo Long Sơn)...

Chú thích ảnh
Nhà Lớn Long Sơn được xây dựng với phong cách pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian (trời, đất) với Nho giáo, Lão giáo của Khổng Tử.

Cô Lê Thị Kiệt, người cháu và kiêm quản lý quần thể Nhà lớn Long Sơn, cho biết Nhà lớn Long Sơn do ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1856, người Hà Tiên) xây dựng từ năm 1910 đến 1929. Tất cả tiền bạc, tài nguyên cần thiết để xây dựng nên ngôi nhà đều là của ông Trần và những người tin theo ông tự nguyện gom góp.

Nhận thấy đây là kiến trúc nhà cổ độc đáo (kiểu tựa đình làng Việt Nam) cần phải bảo tồn và đưa vào khai thác phát triển du lịch, ngày 3/8/1991, quần thể Nhà lớn Long Sơn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Chú thích ảnh
Kiến trúc của cổng chính vào khu lăng mộ trong quần thể Nhà lớn Long Sơn được thiết kế bắt mắt khiến nhiều du khách thích thú. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các vật dụng chính trong Nhà lớn Long Sơn đều được làm bằng  các loại gỗ quý và cẩn hoa cương. Bên trong nhà, ông Trần còn lưu giữ rất nhiều đồ cổ quý giá như: bộ tủ thờ, bộ lư hương và chân đèn cổ, nhiều bức hoành phi, liễn thờ… Tất cả những vật dụng này được ông Trần sưu tầm và đem về lưu trữ sau những chuyến hàng buôn ở Sài Gòn năm xưa. Các tác phẩm trang trí trong nhà đều thể hiện giá trị nghệ thuật cao về điêu khắc lẫn trang trí mỹ thuật.

Chú thích ảnh
Khu vực sân chính giữa các nhà được xây dựng mang đậm nét kiến trúc của Nho giáo. 

Theo cô Lê Thị Kiệt, sau khi ông Trần mất (năm 1935) ngoài đạo giáo của Khổng Tử, Nhà lớn Long Sơn còn hình thành tín ngưỡng đạo ông Trần. Đạo ông Trần là pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau, tuy nhiên mục đích chính vẫn hướng con người đến với chân - thiện - mỹ. Trong đó, ông Trần vẫn dạy con cháu giữ gìn những phong tục, tập quán của ông như: mặc quần áo bà ba, đi chân đất, tóc búi gọn gàng… Nhìn chung tất cả hoạt động từ sinh hoạt đến tính cách đều học theo ông và mang đậm chất con người vùng đất Nam Bộ.

Cô Lê Thị Kiệt cho biết thêm, hàng năm, Nhà lớn Long Sơn thu hút đông du khách thập phương vào ngày giỗ ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày Tết trùng cửu (9 tháng 9 âm lịch) bởi hai ngày này Nhà lớn Long Sơn đều tổ chức lễ hội rất trang trọng. Các du khách đến đây chủ yếu ở các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An... Ngoài ra, mỗi độ Tết đến xuân về, Nhà lớn Long Sơn cũng thu hút du khách thập phương xuất phát từ những lòng hảo tâm, mang hàng từ thiện về giúp người khó khăn hay những em học sinh nghèo hiếu học...

Báo Tin Tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh đặc sắc tại Nhà lớn Long Sơn:

Chú thích ảnh
Trước khi vào tham quan Nhà lớn, du khách sẽ được nghỉ chân và nghe giới thiệu về quần thể kiến trúc Nhà lớn Long Sơn tại khu vực Nhà lớn (nơi dành cho việc tập trung đón tiếp khách đoàn đến tham quan).
Chú thích ảnh
Cô Lê Thị Kiệt, quản lý quần thể Nhà lớn Long Sơn đang giới thiệu với du khách về việc hình thành đạo ông Trần tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một đạo giáo tổng hợp những cái hay của các đạo tại Việt Nam.
Chú thích ảnh
Du khách được chia đoàn theo giới tính để vào tham quan quần thể kiến trúc Nhà lớn. Du khách đến đây tham quan hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn được thưởng thức khoai mì, bánh ít trần... nhưng có một chú ý là du khách không nên chụp ảnh tại những nơi thờ cúng, chánh điện của Nhà lớn.
Chú thích ảnh
Bước vào bên trong ngôi Nhà lớn, du khách sẽ bắt gặp chiếc mái chèo "khổng lồ" của chiếc ghe Sấm.  Chiếc ghe này đã đưa ông Trần cùng gia đình từ Hà Tiên đến Bà Rịa - Vũng Tàu để khai hoang lập nghiệp vào khoảng năm 1891.
Chú thích ảnh
Từ trên cao, du khách sẽ quan sát thấy ba lầu: lầu Trời, Tiên và Phật hợp với nhà Hậu thành hình chữ "khẩu". Khoảng trống ở giữa các lầu này chủ yếu dùng để thông gió và lấy ánh sáng cho các khu nhà lầu.
Chú thích ảnh
Mỗi khu nhà thờ lại có những chiếc cầu thang bắc qua các lầu để kết nối với nhau. Ở trên cao, du khách có thể quan sát thấy 8 mái ngói của 5 lầu là: lầu Cấm (tiền điện), Phật (chính điện), Trời, Tiên, Dài và 3 nhà trệt là: nhà Thánh, nhà Hậu (Hậu điện), nhà Đèn. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loại kiến trúc cổ có một không hai tại Việt Nam.
Chú thích ảnh
Trong các gian nhà thờ đạo ông Trần, bộ đồ có giá trị nhất là bộ bàn ghế bát tiên, được làm bằng chất liệu gỗ cẩn hoa cương và xà cừ. Bộ bàn ghế này được con cháu ông Trần khẳng định là của vua Thành Thái từng dùng ở Bạch Dinh (TP Vũng Tàu).
Chú thích ảnh
Bộ tủ thờ cổ cẩn xà cừ gồm 33 chiếc có nguồn gốc từ vùng Hà Đông, Hà Nội.
Chú thích ảnh
Tại mỗi gian thờ lại có một bộ đồ chuyên dùng đựng nước cúng dâng lên Phật, Trời, Tiên... khác nhau.
Chú thích ảnh
Trong các ngôi nhà thờ, các trụ cột và xà nhà đều có treo câu đối, câu liễn và hoành phi. Đặc biệt, các bộ bao lam đều chạm trổ hình hoa, hình thú khá khéo léo, công phu và đều được tô son thiếp vàng rực rỡ.
Chú thích ảnh
Di vật quý nữa của ông Trần nằm ngay phía sau khu chính điện (nơi ông Trần thường ngồi giảng đạo lý) hiện đang còn lưu giữ bộ ảnh chữ Nôm truyện Lục Vân Tiên. Trước đây, bộ ảnh này được vẽ trên lụa, sau này được con cháu ông Trần phục chế trên kính.
Chú thích ảnh
Phía sau nhà bếp còn có khá nhiều kho chứa thóc dùng cho người trong nhà và giúp đỡ dân nghèo. Nhờ những kho chứa thóc của ông Trần mà năm Giáp Thìn (1904), người dân ở miền Tây Nam Bộ bị thiệt hại do lụt đã được ông Trần mở kho chứa thóc cứu đói. Từ đó, người dân khắp nơi cảm phục ông và khi thấy ông thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân không gọi tên thật mà gọi ông là ông Trần. Cho đến nay, người dân Long Sơn vẫn tôn kính gọi “ông Trần” bằng độc nhất một chữ là “Ông”.
Chú thích ảnh
Khu nhà bếp của ngôi nhà bố trí nhiều tấm phản gỗ để người nhà và du khách thập phương nghỉ ngơi khi đến đây tham quan.
Chú thích ảnh
Sau khi đi tham quan các lầu chính, khu nhà thờ, du khách sẽ được người trong nhà dẫn đến tham quan và tìm hiểu về khu lăng mộ của ông Trần.
Chú thích ảnh
Khu lăng mộ còn có phòng riêng để chiếc "áo quan dùng chung" và các dụng cụ phục vụ công việc mai táng. Những người theo đạo ông Trần, đám tang được gọi là “đám xác” và sẽ áp dụng theo tục "chết đồng quách". Hiện nay, phong tục này vẫn còn được áp dụng cho người dân trên xã đảo Long Sơn. 
Chú thích ảnh
Theo triết lý của ông Trần, thì "sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách” nên áo quan được dùng chung cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, khi một gia đình trong làng có tang thì những người hàng xóm xung quanh sẽ sang giúp đỡ nhà có đám tang. Đặc biệt là trong đám tang đó không có kèn trống, không tụng kinh, ít tiếng khóc và gia đình không nhận bao thư phúng điếu. Khi đi đến mộ phần thì người chết sẽ được quấn vào chiếu cói chôn xuống đất, còn áo quan thì đưa về lại Nhà lớn Long Sơn.
Chú thích ảnh
Những chiếc chiếu cói được mua sẵn để chuẩn bị cho những người chết trên xã đảo Long Sơn.
Chú thích ảnh
Đạo ông Trần thực chất chỉ là đạo làm người. Bởi ngày xưa, ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu... và cứ thế mà truyền đời cho con cháu hôm nay.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức