07:21 16/07/2011

Độc đáo “thương cảng” tro rơm

Chợ nổi là nơi giao lưu, sinh hoạt, trao đổi, mua bán hàng hóa thật độc đáo, mang đậm nét văn hóa sông nước của cộng đồng dân cư đồng bằng sông Cửu Long…

Chợ nổi là nơi giao lưu, sinh hoạt, trao đổi, mua bán hàng hóa thật độc đáo, mang đậm nét văn hóa sông nước của cộng đồng dân cư đồng bằng sông Cửu Long… Chợ nổi có ở nhiều nơi, tuy nhiên, chợ nổi “độc nhất vô nhị” chuyên bán tro rơm như ở Trà Thôn, ấp Long Quới 1, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thì không phải nơi nào cũng có. Từ lâu, chợ đã trở thành nơi cung cấp tro rơm số lượng lớn cho hầu hết cư dân trong vùng!

Hơn 10 năm nay, phong trào thu mua tro rơm ở xã Long Điền B ngày càng phát triển mạnh. Từ đó đã hình thành khu chợ tro rơm trên dòng kênh Trà Thôn và dòng sông Ông Chưởng để “vựa” lại vài tháng rồi chuyển tro rơm đi các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… phục vụ nhu cầu người trồng hoa màu, hoa kiểng, vườn cây ăn trái đặc sản… Đầu tiên, chỉ có vài ba chiếc ghe đi thu mua tro rơm từ những vùng lân cận chở về neo đậu ở cầu Trà Thôn và các bến sông gần đó để bán cho các chủ vựa tro. Sau đó, nghề mua bán tro rơm đã giúp nhiều chủ vựa và thương lái có nguồn thu nhập khá nên số lượng ghe đi mua tro rơm về bán đã lên đến hàng chục chiếc lớn - nhỏ. Lúc cao điểm lên đến cả trăm chiếc ghe tro rơm đậu dọc dài hai bên bến sông để “lên hàng”...

Ghe chở tro đậu tại bến Trà Thôn.


Để có đủ nguồn tro rơm cung cấp cho chủ vựa, các chủ ghe phải lặn lội đi mua ở các cánh đồng lúa sau thu hoạch của vùng Đồng Tháp Mười, khu Tứ giác Long Xuyên, vào Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ... Thậm chí, phải xuống tận các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... Bình quân một ghe chở từ 1.200 đến trên 2.000 giạ tro rơm, người bán kiếm lời một vài triệu đồng. Nếu xoay vòng được nhiều chuyến (mỗi chuyến đi mua tro rơm từ 5 - 7 ngày) thì nguồn thu nhập nâng lên, lợi nhuận trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Còn vào mùa lũ bão, tro rơm bán ra tuy giá thấp nhưng các thương lái có lời nhiều hơn. Bởi, giá rơm mua vào để đốt lấy tro rất rẻ...

Không chỉ bán tro rơm cho các chủ vựa ở Trà Thôn mà người trồng hoa kiểng, cây ăn trái… ở miệt Sa Đéc, Cái Mơn, Vĩnh Long... khi thiếu tro rơm cũng tìm đến “thương cảng tro rơm Trà Thôn” để mua đem về bón cho vườn cây, hoa kiểng... Vào cuối vụ đông xuân hằng năm, sau khi mua tro do các thương lái đến bán với giá dao động từ 3.800- 4.000đồng/giạ, các chủ vựa ở Trà Thôn đem tro lên cho vào kho dự trữ đến tháng 8, tháng 9 đưa xuống ghe lớn, có tải trọng hơn 20.000 giạ tro rồi chở đi bán cho các hộ có nhu cầu trồng hoa kiểng, những hộ canh tác rẫy dưa - kiệu và các loại hoa màu khác... ở các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bến Tre… với giá bán từ 9.000 - 10.000đồng/giạ, tăng nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình, góp phần giải quyết không nhỏ lực lượng lao động cho xã hội và làm đa dạng hóa các ngành nghề, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển khởi sắc… Ông Lê Văn Hải - chủ vựa tro ở Trà Thôn cho biết: “Tro rơm là một loại phân bón rất thích hợp với các loại hoa màu, cây kiểng… nên được các nhà vườn sử dụng rất nhiều. Ở Trà Thôn này có hàng trăm chủ vựa tro lớn-nhỏ. Vựa tro lớn nhất có đến cả trăm ngàn giạ, nhỏ nhất cũng mười, hai mươi ngàn giạ tro… Từ tháng 8 - 10 hằng năm, các chủ vựa thường vận chuyển tro lên các tỉnh miền đông Nam bộ như: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… để bán cho các nhà vườn làm phân bón trồng cây kiểng, hoa màu… Mỗi chuyến ghe chở từ 10.000 - 20.000 giạ trở lên, thu lãi cả chục triệu đồng!”.

Trần Trọng Trung