12:17 16/12/2012

Độc đáo cà phê chồn Đắk Lắk

Ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khi nói đến cà phê chồn, người ta nghĩ ngay đến anh Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Kiên Cường ở phường Tân Tiến. Anh là người đầu tiên ở “vương quốc” cà phê này mạnh dạn đầu tư nuôi chồn để sản xuất ra cà phê chồn “chính hiệu”.

Ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khi nói đến cà phê chồn, người ta nghĩ ngay đến anh Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Kiên Cường ở phường Tân Tiến. Anh là người đầu tiên ở “vương quốc” cà phê này mạnh dạn đầu tư nuôi chồn để sản xuất ra cà phê chồn “chính hiệu”. 

Sản phẩm cà phê chồn của anh đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích mang tên "Sáng chế phương pháp sản xuất cà phê chồn".


Thương hiệu cà phê chồn nổi tiếng của anh Hoàng Mạnh Cường.

Anh Hoàng Mạnh Cường cho biết, trước đây anh nghe nói nhiều về giá trị của cà phê chồn nhưng thực tế chưa thấy hạt cà phê chồn bao giờ. Qua khảo sát các vườn cà phê cũng như nghe các già làng kể, vào niên vụ thu hoạch cà phê, các buổi sáng vào vườn thường nhặt được phân chồn có hạt cà phê về rửa, phơi khô để dành sau đó chế biến, rang xay đãi khách quý.

Năm 2004, anh quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thử 13 con chồn hương và bắt đầu có thu hoạch cà phê chồn. Qua năm tháng, đàn chồn của gia đình tăng dần và nay anh sở hữu 120 con, trong đó có 30 con chồn giống.

Nói về kỹ thuật nuôi chồn để thu hoạch cà phê chồn, anh Hoàng Mạnh Cường hồ hởi cho biết, mới đầu nghe qua, công việc này tưởng rất dễ làm nhưng khi bắt tay vào mới thấy vô vàn khó khăn và cũng đầy nghệ thuật. Bắt đầu từ nguồn thức ăn, trong suốt thời gian chờ niên vụ cà phê chín, anh cho chồn ăn chủ yếu là thịt bò, thịt gà, trứng và các loại trái cây (người ăn được) đảm bảo độ chín nhất định. Từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 1 năm sau, chồn ăn quả cà phê tươi. Chồn cũng khá cầu kỳ, khó tính khi chọn cà phê để ăn.

Qua theo dõi, anh Cường thấy, chồn chỉ chọn ăn những quả cà phê chín mọng, không bị rệp sáp, không có mùi vị thuốc trừ sâu, không trầy xước và sạch, không bụi bặm. Do vậy, công thu hái cà phê dành cho chồn ăn rất cao so với công thu hái cà phê bình thường, người hái phải nhặt từng quả trên cành cho vào bao bì sạch. Mỗi lần cho ăn, chồn dùng khứu giác chọn ăn 1/10 lượng quả cà phê, 9 phần còn lại phải mang ra phơi sấy bán cho các đại lý.

Chồn leo lên cây, chọn quả ngon để ăn.


Sau khi ăn, từ 3 đến 4 giờ đồng hồ, chồn bài tiết ra những hạt cà phê còn nguyên lớp vỏ trấu. Một đêm, một con chồn bài tiết gần 1 lạng hạt cà phê. Để có được 1 kg hạt cà phê chồn, trung bình phải có 10 kg cà phê quả chín tươi.

Sau khi thu hoạch “sản phẩm” chồn bài tiết ra, hạt cà phê được rửa sạch, phơi sấy, đóng gói đảm bảo độ ẩm 12% (trong khi đó cà phê xuất khẩu bình thường có độ ẩm từ 14 đến 15%). Một vụ cà phê, một con chồn chỉ cho thu hoạch từ 5 đến 6 kg cà phê chồn. Do vậy, từ năm 2008 đến nay, anh Hoàng Mạnh Cường cũng chỉ thu hoạch được trên 3.400 kg cà phê chồn, trong đó, niên vụ này theo anh cũng chỉ có khoảng 900 kg.

Cũng do chi phí đầu tư khá cao, mỗi kg cà phê chồn thô (chưa rang xay chế biến) đã có giá bán 1,7 triệu đồng. Hiện nay, toàn bộ sản lượng cà phê của Công ty Kiên Cường đều được Công ty TNHH Sài Gòn- Ban Mê hợp đồng bao tiêu để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật bản.

Theo các ngành chức năng, cà phê chồn là thức uống có giá trị cao là do khi chồn tuyển chọn những quả cà phê chín ăn vào dưới tác dụng lên men của các enzym trong dạ dày, làm cho mùi vị của nhân cà phê biến đổi, vừa tạo ra hương vị đậm đà hơn cà phê thường, vừa đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng.

Mới đây, anh Hoàng Mạnh Cường đã phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức một khóa học để quảng bá, chuyển giao kỹ thuật nuôi chồn, sản xuất cà phê chồn cho 30 nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê nhằm góp phần làm phong phú thêm sản phẩm cà phê xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.


TTXVN/Tin tức