08:06 15/08/2022

Doanh số bán vũ khí của Mỹ tăng đột biến lên gần 20 tỷ USD trong hai tuần

Trong khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến ngày 2/8, Washington đã ký kết các thỏa thuận quân sự trị giá hàng chục tỷ USD.

Chú thích ảnh
Mỹ đã tăng xuất khẩu vũ khí cho các nước trên thế giới trong thời gian gần đây. Ảnh: RS

Doanh số bán vũ khí của Mỹ cho nước ngoài đã tăng đột biến, khi Bộ Ngoại giao nước này phê duyệt các thỏa thuận trị giá gần 20 tỷ USD trong khoảng hai tuần - tức là hơn 1 tỷ USD doanh thu quân sự mỗi ngày .

Một phần ba trong số đó được chuyển đến các Trung Đông, làm nổi bật những mâu thuẫn trong cam kết thúc đẩy dân chủ của Tổng thống Joe Biden. Chuyên gia Lauren Woods, Giám đốc Giám sát Hỗ trợ An ninh tại Trung tâm Chính sách Quốc tế nhận định, những giao dịch này có thể kéo dài nhiều năm mới được thực hiện và cuối cùng ông Biden đã “bật đèn xanh".

Các nước mua vũ khí nhiều nhất trong các thương vụ gần đây là Đức, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Hà Lan, tất cả đều đã mua thiết bị quân sự trị giá hơn 1 tỷ USD. Những khách hàng đáng chú ý khác bao gồm Kuwait, Đài Loan/Trung Quốc và Na Uy, qua đó giúp nâng tổng doanh số bán vũ khí của nước này đến thời điểm hiện tại trong năm nay lên gần 60 tỷ USD. Nhưng những người hưởng lợi lớn nhất là các tập đoàn quốc phòng của Mỹ. 

Bill Hartung của Viện Quincy đã lập luận trên Forbes: “Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ luôn tuyên bố là họ muốn duy trì vị thế như những người bảo vệ nền dân chủ, với vai trò của họ trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ví dụ như trong trường hợp của Saudi Arabia và UAE - những nước can dự vào cuộc xung đột ở Yemen, dẫn đến gần 400.000 người thiệt mạng trực tiếp và gián tiếp”.

Hàng loạt phê duyệt bán vũ khí bắt đầu vào ngày 15/7, nhưng gây tranh cãi nhất đến vào ngày 2/8, khi Bộ Ngoại giao Mỹ ký kết các thỏa thuận gửi một loạt tên lửa mới cho UAE và Saudi Arabia, điều mà Tiến sĩ lịch sử người Mỹ Daniel Larison gọi những vụ chuyển giao vũ khí này là "vô đạo đức".

“Bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào giúp Saudi Arabia và UAE để họ tiếp tục chính sách can thiệp ở Yemen là điều không thể chấp nhận được, tạo điều kiện cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa và nên bị Quốc hội Mỹ bác bỏ”, Tiến sĩ Larison nêu rõ.

Các động thái trên cũng diễn ra trong bối cảnh Washington nỗ lực giảm bớt hỗ trợ quân sự cho Ai Cập, đối tác lâu năm của Mỹ ở Trung Đông. Mỹ đã đảo ngược nỗ lực này khi đồng ý bán cho Cairo số vũ khí trị giá hơn 2 tỷ USD vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Biden không có dấu hiệu cho thấy họ muốn giảm doanh số bán hàng cho những người mua có vấn đề. Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký một thỏa thuận sẽ bán tên lửa Javelin trị giá 74 triệu USD cho Brazil, vốn bị phương Tây cho là "một nền dân chủ đang thụt lùi với một nhà lãnh đạo dân túy cánh hữu". 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Responsiblestatecraft.org)