10:13 06/10/2017

Doanh nghiệp Việt 'bỡ ngỡ' với các thủ tục chứng minh xuất xứ

Hàng hóa Việt Nam vẫn gặp phải những khó khăn nhất định khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống siêu thị lớn. Một phần bởi đa phần doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn và kinh nghiệm đều hạn chế.

Tại hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kì hội nhập do Bộ Công Thương tổ chức sáng 6/10, các DN sản xuất và phân phối đã nêu lên những khó khăn trong quá trình tiếp cận nhau để tạo nên chuỗi cung ứng hàng hóa hoàn chỉnh.

Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group (sở hữu chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam) chia sẻ: Khối DN vừa và nhỏ chiếm đa số trong nền kinh tế Việt Nam. Các DN này hiện còn khá bỡ ngỡ với các thủ tục giấy tờ cần thiết để đưa hàng vào hệ thống Big C.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị. Ảnh: HD

"Chúng tôi là nhà phân phối, muốn bao vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định nhà nước nên yêu cầu các DN phải có đủ giấy tờ cần thiết để chứng minh hàng hóa sản xuất ở đâu, đảm bảo chất lượng hay không… Nhưng về phía DN lại chưa biết cách hoàn thiện các thủ tục giấy tờ này", bà Linh cho hay.

Từ thực tế đó, bà Linh nhận định chuỗi cung ứng chỉ có thể thành công khi các bên tham gia phải cùng phối hợp chặt chẽ, đồng thời có sự chỉ đạo, hỗ trợ của cơ quan quản lý.

Tập đoàn Central Group mong muốn các DN Việt Nam xây dựng được thương hiệu hàng Việt không chỉ để đưa vào chuỗi cung ứng nội, mà còn xuất khẩu. Trong chính sách thu mua của hệ thống siêu thị Big C, hàng sản xuất trong nước luôn là ưu tiên hàng đầu, hàng nhập khẩu nhằm để bổ sung, đa dạng hóa ngành hàng, tạo thêm lựa chọn cho khách hàng.

Với mục tiêu trở thành “điểm đến cho các doanh nhân Việt Nam”, kể từ tháng 10 năm 2016, Big C Việt Nam đã phát động chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt”, nhằm tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam mở rộng thị trường thông qua kênh bán lẻ hiện đại. Tham gia chương trình, các DN sẽ được Big C Việt Nam hỗ trợ toàn diện thông qua các khóa đào tạo (hỗ trợ đào tạo về thị trường bán lẻ, chia sẻ thông tin thị trường và thị hiếu khách hàng, đào tạo về đóng gói, xây dựng thương hiệu), hỗ trợ tài chính (được tiếp cận các gói ưu đãi tài chính của các ngân hàng đối tác của chương trình, được hỗ trợ điều kiện thanh toán thuận lợi), hỗ trợ về phân phối, hậu cần và truyền thông tiếp thị...

Nhiều DN cho rằng, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng thì yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất chính là chất lượng hàng hóa. Sau đó là yếu tố giá.

Các doanh nghiệp trao đổi ý kiến về liên kết tiêu thụ hàng Việt.

Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tập đoàn Dệt may Việt Nam, DN phải nghĩ mình có hàng hóa gì để tham gia chuỗi, chất lượng hàng hóa thế nào, giá cả ra sao. "Nếu mình nói giá xong có thể người ta sẽ từ chối ngay. Hoặc, người ta kiểm tra hàng mình, nếu không phù hợp thì họ cũng không lấy nữa. Chuỗi đi tìm nhà cung cấp và ngược lại nhà cung cấp đi tìm chuỗi", ông Dũng nói.

Còn ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tông giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội (kinh doanh thực phẩm, trứng gia cầm) cho hay, để đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, công ty đã xây dựng chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn, luôn quan tâm chất lượng hàng hóa. Quy trình sản xuất khép kín...

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Chợ Việt Nam, Giám đốc Hợp tác xã Phú Cường, hiện đa phần người dân vẫn đi chợ mua sắm là chủ yếu. Tuy nhiên các chính sách của nhà nước vẫn chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ phân phối hàng hóa qua kênh siêu thị. Do đó, theo bà Hương, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đưa hàng Việt an toàn vào chợ vì đây là kênh phân phối vững chắc nhất, nhất là ở khu vực nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một số Đề án, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa, như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Đề án Thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020...

Những ý kiến ở hội thảo này sẽ được Bộ Công Thương chuyển đến các cơ quan liên quan, những người có trách nhiệm để được trao đổi và giải đáp, tiến đến hoàn thiện chính sách phân phối hàng Việt.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức