09:13 07/09/2021

Doanh nghiệp vận tải tham gia giao thông theo giấy đi đường mới như thế nào?

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển trong vùng 1, thuộc các đơn vị vận tải, tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công công trình giao thông.

Hướng dẫn của Sở GTVT Hà Nội

Theo Sở GTVT Hà Nội, lĩnh vực vận tải gồm doanh nghiệp Nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm: Quản lý, khai thác, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn) được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Đối với các doanh nghiệp và lái xe vận tải này, từ ngày 8/9, Hà Nội sẽ áp dụng mẫu đi đường mới do cơ quan Công an TP Hà Nội cấp. Cụ thể, các đơn vị đại diện doanh nghiệp vận tải chuẩn bị 3 file mềm/bản scan (theo nhu cầu đăng ký) các tài liệu gồm: Công văn đề nghị của đơn vị, doanh nghiệp (có ký tên, đóng dấu), lưu ý doanh nghiệp, đơn vị cung cấp đầu mối liên lạc (tên, địa chỉ, điện thoại, email…).

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp vận tải tham gia giao thông theo giấy đi đường mới như thế nào?. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN.

Các doanh nghiệp, lái xe vận tải lập danh sách theo mẫu của Sở GTVT gửi về mail: giaydiduong.sogtvthn@gmail.com. Lĩnh vực tư vấn, thiết kế, giám sát thi công, thi công công trình giao thông gửi về mail: khtc.sogtvthanoi@gmail.com.

Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực quản lý hoặc hồ sơ không hợp lệ, Sở GTVT sẽ tổng hợp, lập danh sách nêu rõ lý do và niêm yết trên trang website: www.sogtvt.hanoi.gov.vn và gửi email trả lời để doanh nghiệp, lái xe theo dõi.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp vận tải có phương tiện được huy động để vận chuyển người đi cách ly, sau cách ly, vận chuyển mẫu sinh phẩm, phục vụ truy vết, taxi vận chuyển như: Vận chuyển F0, cấp cứu, từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà, vận chuyển các đối tượng khi có yêu cầu của cơ quan công an, quân đội, cơ quan y tế, chính quyền địa phương; phương tiện dự phòng ứng phó với các cấp độ dịch bệnh theo phương án số 1427 ngày 27/8/2021 của Sở GTVT.

Các đơn vị, doanh nghiệp đã được cấp giấy nhận diện QR Code luồng xanh cho phương tiện vận tải hàng hóa trên hệ thống phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) tại địa chỉ: https://vantai.drvn.gov.vn được phép lưu thông khi đáp ứng đủ các điều kiện như: Đã đăng ký điểm đi, điểm đến và lộ trình di chuyển trên hệ thống phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trước đó, từ ngày 6/9, TP Hà Nội đã triển khai Chỉ thị số 20 tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tại 39 chốt kiểm soát người ra vào vùng 1 (vùng đỏ) của Hà Nội, các lực lượng đã bố trí chốt trực, phân làn từ xã, hướng dẫn phương tiện vào đo thân nhiệt, kiểm tra giấy tờ tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc kiểm tra này đã khiến nhiều tuyến đường trọng điểm bị ùn ứ giao thông. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp phản ánh đến Sở GTVT Hà Nội đang gặp khó trong việc xin cấp giấy đi đường theo mẫu mới cho cán bộ, công nhân, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa, thi công công trình và kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Lưu thông qua các vùng phòng chống dịch như thế nào?

Từ ngày 6 - 21/9, Sở GTVT Hà Nội cũng đã thông báo tổ chức giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua các vùng phòng,chống dịch theo Chỉ thị số 20 của UBND TP Hà Nội. Thời gian thực hiện đến hết ngày 21/9.

Cụ thể, các chốt ra/vào tại vùng 1 và đối với các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”, các lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Theo phương án phân luồng mới của Sở GTVT Hà Nội, người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông từ vùng 1 sang vùng 3 và ngược lại không được phép lưu thông qua 27 vị trí chốt cứng. Đối với người và phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng “được phép mới ra đường”) đi từ vùng 1 ra/vào vùng 2 và ngược lại thông qua 6 chốt gồm: Cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. Đối với người và phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng “được phép mới ra đường”) đi từ vùng 1 ra vào vùng 3 và ngược lại thông qua các chốt: Cống Liên Mạc, cầu Diễn, cầu Xuân Phương, cầu Ngà, cầu sông Đáy, cầu An Lạc, cầu 72II, cầu Cù Sơn, cầu Tân Phú, cầu Mai Lĩnh, Ngã ba đê Tả Đáy, cầu Thạch Bích, cầu Khe Tang, cầu Qua, cầu Quán Gánh, Ngã ba đê Hữu Hồng - trạm bơm Hồng Vân.

Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí chốt trên các tuyến đường có tốc độ phương tiện lưu thông cao, Sở GTVT Hà Nội đang bổ sung hệ thống thiết bị bảo đảm an toàn giao thông như: Gờ giảm tốc, chóp nón và các thiết bị an toàn giao thông khác. Riêng tại 27 chốt cứng bố trí hệ thống biển báo giao thông gồm: Biển báo đường cấm, biển hạn chế tốc độ, biển báo hướng dẫn giao thông từ xa, biển luồng xanh, với tổng cộng 342 bộ biển báo.

Chú thích ảnh
Vân Sơn/Báo Tin tức