11:00 03/11/2012

Doanh nghiệp và bóng đá

Những ngày qua, câu chuyện Chủ tịch CLB Navibank Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ gửi công văn trả đội bóng về đơn vị chủ quản là Sở VHTTDL TP Hồ Chí Minh với lý do gặp khó khăn kinh tế khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Những ngày qua, câu chuyện Chủ tịch CLB Navibank Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ gửi công văn trả đội bóng về đơn vị chủ quản là Sở VHTTDL TP Hồ Chí Minh với lý do gặp khó khăn kinh tế khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

 

Như phản ứng dây chuyền, sau Chủ tịch Tập đoàn T&T tuyên bố rút toàn bộ cổ phần tại các CLB SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, thì cách đây hai ngày, ông chủ của Sài Gòn Xuân Thành Nguyễn Đức Thụy cũng có văn bản gửi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh “tặng” luôn đội bóng cho thành phố mà không có bất cứ điều kiện nào. Các doanh nghiệp Việt Nam hình như đang quay lưng với bóng đá?


Giới bình luận nhận định rằng, bóng đá Việt Nam đang ở thời điểm nguy cấp. Khi một loạt các doanh nghiệp rời bỏ bóng đá, điều đó cũng đồng nghĩa một kết cục xấu đang xảy ra đối với bóng đá nước nhà. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước khác trên thế giới cũng vậy, bóng đá không thể thiếu tiền đầu tư của các doanh nghiệp. Với bóng đá Việt Nam, không có túi tiền của các doanh nghiệp, bóng đá sẽ quay về thời kỳ bao cấp. Có nghĩa hơn 10 năm có lẻ làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn chỉ là con số không.

 

Bởi đã gọi là chuyên nghiệp, thì câu lạc bộ phải là của doanh nghiệp, chứ không thể lấy tiền Nhà nước để đầu tư cho bóng đá.


Việc các doanh nghiệp rút lui khỏi bóng đá không phải bây giờ mới bộc lộ, mà nó được dự báo từ cách đây 2 năm, khi mà Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Hà Nội Trần Đình Long tuyên bố rời bỏ sân chơi và nhượng toàn bộ cầu thủ cũng như cơ sở vật chất của đội cho CLB Bóng đá Hà Nội. Điều này không chỉ ông chủ của CLB Hòa Phát Hà Nội thất vọng, các ông chủ khác cũng có tâm trạng như vậy. Nhưng có lẽ thất vọng hơn cả là người hâm mộ bóng đá nước nhà. Nếu cách đây 2 năm, doanh nghiệp này bỏ, thì doanh nghiệp khác sẵn sàng nhảy vào cuộc. Còn ở thời điểm hiện tại thì chẳng doanh nghiệp nào đủ can đảm để nuôi đội bóng. Bởi trong bối cảnh kinh tế suy thoái, doanh nghiệp tồn tại đã là khó, chứ chưa nói đầu tư cho bóng đá.


Việc doanh nghiệp chán nản, muốn từ bỏ bóng đá là hệ quả tất yếu từ cách làm “ăn xổi” của bóng đá Việt Nam thời gian qua. Nhưng ở khía cạnh khác, đó có thể xem như tín hiệu tích cực để chúng ta làm lại, chỉn chu và đúng định hướng chuyên nghiệp. Câu hỏi đặt ra lúc này là VFF và Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ phải làm gì để cứu con thuyền bóng đá Việt Nam vượt qua khủng hoảng? Nếu nhìn vào những diễn tiến ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2012 và Đại hội thường niên của VFF diễn ra cuối tuần qua, thì câu trả lời chẳng mấy lạc quan! Thế nên, (thời điểm này mọi năm, mọi công việc chuẩn bị cho mùa giải mới đã hoàn tất), cả VFF và VPF (Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) đang phải ra sức trấn an dư luận rằng sẽ không có chuyện hoãn mùa giải 2013, nhưng thời gian bốc thăm giải đấu thì vẫn phải chờ? Người hâm mộ bóng đá nước nhà không còn lựa chọn nào khác là phải kiên nhẫn chờ đợi!

 

Y.N