01:02 30/01/2012

Doanh nghiệp tư nhân vượt khó

2011 là năm vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam, gần một nửa doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải đóng cửa hoặc phá sản. Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách xoay sở để duy trì hoạt động.

2011 là năm vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam, gần một nửa doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải đóng cửa hoặc phá sản. Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách xoay sở để duy trì hoạt động. Không ít doanh nghiệp “cực chẳng đã” phải cắt giảm nhân công, bán dần tài sản để bù đắp chi phí; đồng thời cố gắng duy trì bộ máy hoạt động để ngóng chờ “một ngày mới”.

Bán tài sản riêng và đa dạng hóa kinh doanh

Chia sẻ với phóng viên Tin Tức, anh Vương Khiêm - chủ một doanh nghiệp (DN) tư nhân có tiếng ở Hà Nội chuyên cung cấp linh kiện, vật tư cho các dây chuyền hàng công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép, máy nông nghiệp, máy nghiền đá, khai thác mỏ… đã phải “than ngắn, thở dài” khi nói về tình hình kinh doanh hiện nay.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Hà (Đông Triều, Quảng Ninh) - một điển hình trong khối doanh nghiệp tư nhân của cả nước trong việc vượt khó vươn xa trên thị trường quốc tế, sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành nghề. Ảnh: Đinh Mạnh Tú-TTXVN


Anh Khiêm nói: “Khoảng 2 tháng trở lại đây, lợi nhuận của DN không có. Nếu tính số tiền khách hàng đang nợ doanh nghiệp thì chi phí bỏ ra vẫn có thể thu được về nhưng nhìn chung DN vẫn căng. Khách hàng nợ DN, DN lại nợ đối tác, ngân hàng. Đến hạn phải tiền hàng nhập khẩu nhưng vẫn không đòi được nợ. Có những khách hàng nợ của công ty 400 triệu đồng nhưng mỗi tháng chỉ trả được 5 triệu đồng, không đủ tiền lãi nếu vay ngân hàng”.

Trước vô vàn khó khăn, anh Khiêm đã phải bán một phần tài sản riêng là đất đai đề bù đắp chi phí hoạt động, trả lương cho 50 người lao động... “Khi khả năng tài chính hết, không thể nuôi dưỡng toàn bộ DN thì ít ra cũng phải giữ bộ máy chủ chốt của DN để chờ đợi…”, anh Khiêm chua chát. Trong khi chờ “một ngày mai tươi sáng hơn”, công ty cũng lên kế hoạch cho năm 2012 là kinh doanh thêm hàng thiết kế thời trang.

Có lẽ gặp khó khăn nhất năm 2011 phải kể đến DN bất động sản. Đỗ Anh Tuấn - một giám đốc khá trẻ có trụ sở DN ở Trung Hòa, Cầu Giấy, cũng vừa phải bán 2 ngôi nhà để cầm cự hoạt động. Theo Anh Tuấn, mỗi tháng, DN phải trả 200 triệu đồng - tiền thuê nhà, văn phòng, hơn 100 triệu đồng cho quỹ lương, chưa kể những chi phí khác. Dù đã “cầm cự” được nhiều tháng nhưng hiện giờ DN cũng đã cắt giảm 2/3 nhân công. Với 1/3 lao động hiện tại thì mức lương cũng chỉ bằng 80% so với trước, trung bình là 4 triệu đồng/tháng.

Anh Tuấn chia sẻ thêm: Vấn đề thưởng Tết cho công nhân cũng đang là bài toán đau đầu bởi lợi nhuận kinh doanh không phát sinh. Tuy nhiên, công ty sẽ cố gắng đảm bảo mức thưởng cơ bản cho người lao động để đón một cái Tết ấm cúng.

Để “lấy ngắn, nuôi dài”, năm 2012, công ty của Anh Tuấn sẽ cố gắng duy trì đội ngũ lao động hiện tại; tăng cường sử dụng các cộng tác viên và nâng tỷ lệ phần trăm hoa hồng cao để khuyến khích bán dự án. Ngoài ra, công ty sẽ mở rộng kinh doanh thêm dịch vụ ăn uống và giải trí. Tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), lãnh đạo của Bến Thành Land cũng chia sẻ: Công ty cũng phải chủ động chuyển sang thương mại, dịch vụ để đa dạng hóa hoạt động, tạo dòng tiền ngắn hạn để trụ lại trong thời buổi khó khăn.

Các chuyên gia “hiến kế” tháo gỡ

Trao đổi với phóng viên Tin Tức về những khó khăn của các DNNVV trong năm 2011, ông Nguyễn Trọng Hiệu - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Cơn bão” lãi suất cho vay của ngân hàng có những tháng lên tới 22 - 24% đã khiến các DN lao đao. Trong khi đó những DNNVV thường có quy mô nhỏ, vốn huy động ít từ phía gia đình, người thân, bạn bè đóng góp.

Ngoài những khó khăn do chi phí nguyên vật liệu hàng hóa tăng cao, giá điện, giá xăng dầu tăng, tỷ giá biến động, tiền đồng Việt Nam phá giá, đặc biệt là giá thuê đất năm 2011 đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2010… thì về mặt chủ quan, đa phần quản trị doanh nghiệp DNNVV còn chưa tốt nên không có kế hoạch kinh doanh dài hạn; thiếu thông tin về thị trường, nguồn cung cấp nguyên liệu hàng hóa…

Tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội?”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây tại TP.HCM, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính cũng nhìn nhận: Biến động lãi suất tỷ giá khiến cho DN không biết đường nào mà lần, lượng DN giải thể nhiều hơn cả số thành lập mới. Tuy nhiên, nhìn về phía trước, ông Nghĩa hy vọng rằng, 2012 sẽ là năm giải quyết vấn đề cho DN.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định: Tăng trưởng tín dụng năm 2012 cao hơn dự kiến 12% của năm nay sẽ là một tín hiệu trong điều hành của Chính phủ và có thể gỡ dần một số tảng băng hiện nay đang đóng, giảm dần khó khăn cho DN.
Chuyên gia kinh tế này cũng hy vọng những tín hiệu tích cực từ điều hành của Chính phủ sẽ rõ hơn để “DN nhìn chính sách nhà nước giống như con tàu theo tín hiệu của hoa tiêu”. Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhắn nhủ: DN phải tự cứu mình, không mưu sự thì không bao giờ thành sự.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh hiến kế: "Đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc", tiến bước nào phải chắc bước đó, bởi 2012 không phù hợp cho lối đi mạo hiểm, nhất là khi doanh nghiệp kiệt sức sau nhiều trắc trở, thiệt hại trong năm 2011. Theo ông Doanh, phương án kinh doanh năm 2012 cần dự kiến các kịch bản và linh hoạt điều chỉnh theo sát biến động thị trường. Trong khi đó, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: DN nên tập trung những sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn. Đặc biệt thị trường nội địa nhiều tiềm năng cần khai thác triệt để, nhất là khi Việt Nam là nước dân số trẻ, mạnh tay tiêu xài.

Minh Phương