Bạn đọc hỏi: Tôi chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp, nhưng thông tin cá nhân của tôi doanh nghiệp có được phép lưu không?
Về vấn đề này, báo Tin tức và Dân tộc thông tin như sau:
Theo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025, số 91/2025/QH15 có hiệu lực từ 1/1/2026, tại Khoản 2 Điều 25 có quy định: Dữ liệu cá nhân của người lao động chỉ được lưu giữ trong thời hạn theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận hợp pháp giữa hai bên.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Hậu Giang). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Khoản 2 điểm c Điều 25 quy định: “Phải xóa, hủy dữ liệu cá nhân của người lao động khi chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp theo thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.
Điều này có nghĩa, nếu không có lý do chính đáng (như yêu cầu lưu trữ hồ sơ bảo hiểm, thuế…), doanh nghiệp phải chấm dứt xử lý dữ liệu ngay khi kết thúc quan hệ lao động.
Theo khoản 3 Điều 25 Luật này, doanh nghiệp chỉ được áp dụng công nghệ, kỹ thuật (như GPS, camera, phần mềm chấm công…) khi người lao động biết rõ và đồng ý; Không được sử dụng dữ liệu thu thập được từ các công cụ này vào mục đích khác nếu không có sự đồng ý.
Như vậy, từ 2026, doanh nghiệp phải ngừng xử lý, xóa bỏ dữ liệu cá nhân của người lao động sau khi nghỉ việc, nếu không có lý do hợp pháp để tiếp tục lưu giữ. Đồng thời, cần rà soát lại các hệ thống giám sát, lưu trữ dữ liệu để bảo đảm tính minh bạch, phù hợp với quy định pháp luật mới.