10:07 13/10/2015

Doanh nghiệp phải vươn tới chuẩn mực quốc tế

TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là người lính xung trận, Nhà nước là hậu phương vững chắc.


Đội ngũ doanh nhân cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi. Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thể chế để hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân. Mệnh lệnh “đột phá để đổi mới”, để bắt kịp thiên hạ, lại một lần nữa vang lên sau chặng đường 3 thập kỷ nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn.

Sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân trong lòng dân tộc là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới ở nước ta những năm qua. Đội ngũ doanh nhân tự hào là đội quân xung kích góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình trên thế giới.

Nhưng đất nước ta vẫn chưa giàu và hàng chục triệu người dân lam lũ ở cả nông thôn và thành thị vẫn đang thiếu việc làm, vẫn chưa có được cái “cần câu” để có thể thoát nghèo. Công cuộc đổi mới kinh tế vẫn chưa tới đích, mang lại sự giàu mạnh, phồn vinh cho đất nước và cho tất cả mọi người. Nhà nước chỉ có thể tạo môi trường, chỉ có thể là bà đỡ, là hậu phương trong trận chiến kinh tế. Chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và đưa đất nước trở nên giàu là sứ mệnh của doanh nhân.

Cùng với đó, cả bộ máy chính trị có trách nhiệm hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu và tạo cơ hội việc làm cho những người lao động. Phong trào thi đua yêu nước trong thời đại mới cần có quan điểm mới “làm giàu chân chính là yêu nước”. Và ai cản trở sự nghiệp làm giàu chân chính của người dân là có tội với đất nước. Muốn cho dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra một thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng. Nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập những năm qua được ghi nhận theo hướng đó. Nhưng đang còn rất nhiều việc cần làm. Sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, ở cấp Trung ương mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã phường, từ chị văn thư, anh hộ tịch... Khoảng cách giữa lời nói và việc làm còn xa. Vì vậy, thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hành chính là khép lại khoảng cách giữa lời nói với việc làm.

Riêng với các doanh nhân, trải qua gần 1/3 thế kỷ hình thành và phát triển, đất nước ta đã có hàng triệu doanh nhân đang đứng mũi chịu sào tổ chức quản lý điều hành gần 500.000 doanh nghiệp, hơn 15.000 trang trại và hợp tác xã, trên 4 triệu hộ kinh doanh… tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động, đóng góp nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước, và giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng của kinh tế quốc gia. Các doanh nhân đang là lực lượng chủ công xung kích trên trận tuyến chống đói nghèo, làm giàu cho đất nước. Họ là những dũng sỹ, những anh hùng thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Thời gian tới sẽ bắt đầu của những cuộc hội nhập lớn nhất, sâu rộng nhất, đối với đội ngũ doanh nhân sẽ là một chặng đường rất gian nan. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới trên một sân chơi bình đẳng, trong khi trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của chúng ta đang xếp ở thứ hạng thấp (với TPP, với EVFTA… là thấp nhất). So với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh. Về số lượng, ở nước ta, vào thời điểm hiện nay, bình quân 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15- 20 người dân là có 1 doanh nghiệp. 96- 97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta có qui mô nhỏ và siêu nhỏ. Một cuộc cách mạng về khởi nghiệp cần phải bắt đầu và có được con số 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 phải là mục tiêu hướng tới. Chúng ta cũng cần phấn đấu để có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN, châu Á và thế giới. Và để có được những doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu hàng đầu cần những nỗ lực đột phá từ hai phía: Từ cộng đồng kinh doanh và từ Nhà nước.

Để trụ vững và vượt lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, yêu cầu quan trọng nhất đối với cộng đồng kinh doanh là phải chuẩn bị một tâm thế “Tự cứu lấy mình” trong quan hệ với Nhà nước và “chấp nhận một cuộc cạnh tranh sòng phẳng” trong quan hệ với thị trường; Phải nắm vững thông tin hội nhập, phải phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình; Phải chuẩn bị một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị; Phải thiết thực và tiết kiệm; Phải vươn tới chuẩn mực quốc tế; Phải liên kết; Phải chuyên nghiệp và không “ăn xổi, ở thì”; Phải sáng tạo; Phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh: làm giàu bằng cách phụng sự xã hội. Đối với nhiều doanh nhân, đó sẽ là cuộc lột xác thực sự và rất đau đớn của họ, nhưng không có sự lựa chọn nào khác.

Để hậu thuẫn cho sự phát triển của giới doanh nhân, bên cạnh việc cải cách thể chế để bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, Đảng và Nhà nước quan tâm đổi mới công tác thi đua khen thưởng với doanh nghiệp, doanh nhân. Chú trọng những đóng góp thực tế của doanh nghiệp, doanh nhân cho xã hội, nhất là đóng góp về tạo việc làm, đóng góp cho ngân sách.

Tạo việc làm cho người dân, mang đến những cơ hội thoát nghèo cho hàng chục triệu nông dân, trong điều kiện gấp rút phải tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp và nông thôn, phải là mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng hàng đầu của đất nước ta trong những năm sắp tới. Nhìn ra quốc tế, chúng ta thấy chỉ tiêu tạo việc làm bao giờ cũng là chỉ tiêu số 1 trong chương trình hành động của tất cả các chính phủ ở mọi quốc gia. Vì vậy, tôi đề nghị: Có quy định nếu một doanh nhân có thể giải quyết công ăn việc làm cho 10 lao động, chính quyền cấp xã cần tri ân họ, nếu tạo ra việc làm cho 100 lao động, thì huyện cần khen thưởng, tạo ra 1 nghìn việc làm thì tỉnh tri ân, khen thưởng, 1 vạn việc làm thì Nhà nước khen thưởng và trao tặng danh hiệu anh hùng, chiến sỹ thi đua... Trước đây, trong chiến tranh, các chiến sỹ diệt được nhiều giặc thì được phong anh hùng, dũng sỹ. Ngày nay, khi xây dựng đất nước, doanh nhân - người chiến sỹ thời bình nếu tạo nhiều việc làm cho xã hội cũng rất cần được tôn vinh là dũng sỹ, anh hùng…

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam (VID group): 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền kinh doanh Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) của chúng ta phải có chiến lược bài bản hơn thì mới có thể tồn tại được và mở rộng ra thị trường thế giới. Thời gian đợi TPP được phê chuẩn không còn quá dài nên DN cần có sự chuẩn bị nhất định. Theo tôi, để Hiệp định TPP được đưa vào đời sống thực tiễn thì ta phải hiện thực hóa nó bằng các thể chế. Hệ thống pháp luật của chúng ta nếu chưa phù hợp thì phải chỉnh sửa. Ví dụ những luật liên quan đến kinh tế, quyền kinh doanh của DN thì rõ ràng phải chỉnh sửa để phù hợp yêu cầu. Việc tạo thể chế vừa qua đã được Quốc hội rất quan tâm. Vừa qua, Luật Đầu tư, Luật DN đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các DN và doanh nhân, không hạn chế quyền kinh doanh của người dân, không tạo rào cản khi họ gia nhập thị trường. Không chỉ DN phải hiểu các luật đó để biết luật chơi mà bộ máy công quyền cũng phải hiểu. Những cán bộ công chức là những người phải tiếp xúc hằng ngày với người dân và DN, nếu không hiểu và có cái tâm tốt thì thời gian làm thủ tục của DN vẫn dài, hoặc thủ tục thành lập DN vẫn rắc rối… Như vậy, để cải cách thể chế còn cần cải cách bộ máy nữa. Nếu cả thể chế và bộ máy đều tốt thì DN sẽ có thêm động lực để phấn đấu. Theo tôi, ở Việt Nam, các DN tư nhân phải là động lực phát triển. Bên cạnh các DN tư nhân chính thức thì Việt Nam có 4 triệu hộ kinh doanh. Họ đang tham gia vào thị trường, tạo công ăn việc làm cho khoảng 60% lao động trong xã hội. Sự ổn định của nền kinh tế chính là việc tạo ra việc làm. Tuy nhiên hiện nay, khu vực tư nhân sử dụng ít vốn hơn, khó tiếp cận các nguồn lực về tài chính, đất đai. Tôi hi vọng thời gian tới có sự chuyển biến về điều hành để khối DN tư nhân tiếp cận các nguồn lực dễ dàng hơn, bình đẳng với DN nhà nước. 


Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Phải cho doanh nhân giám sát các cơ quan nhà nước 

Doanh nhân Việt Nam cần làm quen với môi trường làm ăn quốc tế, hoạt động minh bạch. Các doanh nhân của chúng ta có nhiều thành phần nhưng số doanh nhân chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế thì không nhiều. Những doanh nhân ấy cần nỗ lực rất nhiều, hoàn thiện mình, không những có tài có đức mà còn cần có sức khỏe, khả năng hội nhập… Trong suốt 30 năm đổi mới của đất nước, DN đóng vai trò quan trọng và tiên phong. Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để làm lành mạnh môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính nhưng chưa đạt kết quả cao. Bây giờ phải làm quyết liệt hơn, phải cho doanh nhân giám sát các cơ quan nhà nước như VCCI đang chấm điểm các tỉnh thành và các bộ ngành. Nếu công chức không hoàn thành trách nhiệm, gây khó khăn cho DN thì cần phải thay đổi để nâng cao chất lượng công chức trong các cơ quan công quyền. 


Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc N&G Corp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA): 


Chú trọng hỗ trợ DN tư nhân Chúng ta đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại rồi, đặc biệt là chúng ta đã đàm phán xong TPP. Chúng ta phải làm rõ, các DN tư nhân sẽ được hỗ trợ cái gì, định hướng phát triển cái gì, từ đó các DN tư nhân có thể có sức phát triển mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn 30 năm lần thứ hai sau đổi mới. Chúng ta cần rút ra bài học từ Philippines để tránh dính bẫy thu nhập trung bình. Hiện nền kinh tế của họ không thể vượt lên được nữa, đó là vì trông chờ quá nhiều vào đầu tư nước ngoài (FDI). DN của Philippines không làm được gì bởi vì DN FDI đã chiếm lĩnh tất cả những vị trí then chốt. Đó là một bài học mà các DN Việt Nam phải nhìn vào, vượt qua bẫy thu nhập trung bình vốn là sức ép đè nặng lên DN. Nhà nước và DN phải tìm ra cái hướng làm sao để giải quyết vấn đề này.


Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)