03:13 21/03/2017

Doanh nghiệp nước ngoài ủng hộ phát triển công nghiệp tại Trung Quốc

Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đang thăm dò lĩnh vực sản xuất thông minh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc đang chuyển đổi từ “công xưởng của thế giới” thành trung tâm nghiên cứu - thí nghiệm của toàn cầu.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Siemens ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, theo giới quan sát, trước đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã quyết định đặt nhà máy tại Trung Quốc để tận dụng lợi thế chi phí tại cường quốc này.

Năm 2016, hãng điện tử Siemens của Đức đã quyết định tăng tổng đầu tư vào Trung Quốc đến năm 2019 lên hơn 1 tỷ NDT (tương đương 145 triệu USD) - một động thái có tác động tích cực tới chuỗi sản xuất rộng lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhà máy của Siemens ở Thành Đô là nhà máy kỹ thuật số đầu tiên của Đức đặt tại nước ngoài, trong đó các máy móc và sản phẩm "kết nối" với nhau thông qua quy trình tự động. Kết quả là năng suất và chất lượng tại đây đều ở mức cao đặc biệt.

Theo ông Joe Kaeser, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Siemens, Chính phủ Trung Quốc đánh giá các công ty đa quốc gia có tiềm năng để đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới nền kinh tế. Nhưng đồng thời các công ty này cũng phải hiểu rằng Trung Quốc cần các đối tác đáng tin cậy.

Trong khi đó, CEO của công ty tư vấn quốc tế Roland Berger, ông Charles-Edouard Bouee cho rằng các công ty nên tập trung vào những cơ hội từ thị trường năng động của Trung Quốc thay vì nghĩ đến những động thái bảo hộ.

Hồi đầu tháng 3/2017, Phòng Thương mại của Liên minh châu Âu (EUCC) tại Trung Quốc đã nhận định kế hoạch “Made in China 2025” có nhiều vấn đề và có thể gây ra tình trạng phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên và lên tiếng trấn an các công ty nước ngoài đang hoạt động tại đây.

CEO Ulrich Spiesshofer của ABB (công ty chuyên về công nghệ tự động) nhận định rằng trong khi Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu thông qua "Made in China 2025", thách thức của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là phải đưa các doanh nghiệp nước này hòa nhập vào nền kinh tế kỹ thuật số, bằng cách kết nối robot, máy móc và công xưởng với hệ thống Internet công nghiệp.

Trong một phát biểu mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ khẳng định nước này sẽ kiên trì chính sách lấy sáng tạo dẫn dắt phát triển và tiếp tục nỗ lực đem lại sức sống mới cho nền kinh tế thực.

Theo đó, Trung Quốc sẽ nâng cao khả năng sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển của những lĩnh vực chiến lược mới nổi và các lĩnh vực chế tạo hiện đại, đồng thời đổi mới công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh của các ngành nghề truyền thống.

Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục khuyến khích sự hình thành, phát triển của các doanh nghiệp và chiến lược “Internet Plus” để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường.

TTXVN/Tin Tức