02:14 21/02/2011

Doanh nghiệp nhiều đơn hàng nhưng vẫn lo

Ngay đầu năm 2011, rất nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ký được nhiều đơn hàng kinh doanh cho đến giữa năm. Tuy thế, họ vẫn đứng ngồi không yên vì lo không có lợi nhuận bởi nhiều yếu tố bất lợi về thị trường đang làm cho chi phí sản xuất tăng lên.

Ngay đầu năm 2011, rất nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ký được nhiều đơn hàng kinh doanh cho đến giữa năm. Tuy thế, họ vẫn đứng ngồi không yên vì lo không có lợi nhuận bởi nhiều yếu tố bất lợi về thị trường đang làm cho chi phí sản xuất tăng lên.

Đầy ắp đơn hàng

Anh Nguyễn Hữu Toan - GĐ Công ty TNHH Toàn Thiên Ấn (chuyên xuất khẩu các sản phẩm trang trí nội thất cao cấp từ gỗ), cho biết, dù năm 2010 ngành gỗ vấp phải nhiều khó khăn do giá nguyên liệu tăng đột biến, song đơn hàng đầu năm 2011 của DN đang đạt những con số khả quan so với cùng kỳ.


Hiện nay, công ty đã có đơn hàng làm cho đến hết tháng 8/2011 với những bạn hàng truyền thống đến từ Nhật, EU, Hoa Kỳ...

Doanh nghiệp may mặc lo lắng về giá nguyên liệu cao. Ảnh: TTXVN

Ở ngành dệt may, rất nhiều DN hiện đã nhận được đơn hàng làm đến giữa năm. Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 đã ký xong hợp đồng đến tháng 6/2011 với tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD, tăng gần 25% về lượng và khoảng 25% về đơn giá thực hiện. Không chỉ tập trung ở những công ty lớn, những DN có quy mô nhỏ hơn như: Công ty cổ phần may Donagamex, Gia Định, Công ty CP Đồng Tiến... cũng dồn dập đơn đặt hàng và đang tất bật lo toan làm sao sắp xếp kế hoạch kinh doanh để giao hàng đúng tiến độ.

Lo toan “bài toán” đầu vào

Phụ thuộc đến 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ngoài việc chạy đôn đáo để tìm đủ nguyên liệu cho sản xuất, các DN ngành gỗ đang đau đầu với giá cả thị trường nhấp nhổm tăng theo tỷ giá.


Theo tính toán của nhiều DN chế biến gỗ, so với đầu năm 2010 giá nhập gỗ đã tăng thêm 15 - 30%, trong đó tăng mạnh nhất là các loại gỗ thông, sồi do nhu cầu sản xuất của nhiều nước tăng mạnh. “Tuy nhiên theo tôi, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu sẽ vẫn chưa dừng ở mức này mà có thể tăng đến mức 25 - 40% vào các tháng 4 - 5, khi nhu cầu của DN tăng mạnh. Và khi giá nguyên liệu tăng, DN sẽ phải tăng giá gây bất lợi khi cạnh tranh hoặc dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ hợp đồng” - anh Toan cho biết.

Tương tự như ngành gỗ, 70% nguyên liệu cho ngành may phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Giám đốc một DN sợi chỉ may cho biết: Nguyên liệu sản xuất chính là bông nhập khẩu đang rơi vào tình trạng khan hiếm.


Hiện, bông nguyên liệu giao hàng cho tháng 4, tháng 5 được bán nhỏ giọt và phải đợi đến tháng 6, tháng 7 mới mong nguồn cung dồi dào. Giá bông trên thị trường cũng tăng lên hơn 4,5 USD/kg, cao hơn gần 1 USD/kg so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng. Theo các DN trong ngành, với giá nguyên liệu cao như trên, rất khó cho lợi nhuận. Và lo chi phí sản xuất tăng, không ít DN từ chối, không dám nhận thêm đơn hàng.

Trong khi đó, các DN ngành in ấn cho hay, từ trước Tết Nguyên đán họ cũng đã nhận rất nhiều hợp đồng, tuy nhiên giá giấy nguyên liệu nhập khẩu đang tăng 5 - 10% so với trước Tết đã khiến cho nhiều đơn hàng ký ở thời điểm trước đây bị... hụt giá.


Cụ thể, giá giấy double A từ 69.000 đồng/ram tăng lên 72.000 đồng/ram, màng tăng thêm 6.000 đồng/kg có giá 65.000 đồng/kg, keo từ 24.000 đồng/kg tăng lên 27.000 đồng/kg... “Giá tăng nhưng 1 - 2 ngày gần đây nhiều đại lý ghim hàng, chỉ bán với số lượng hạn chế. Hiện DN mình không dám nhận thêm đơn hàng vì không biết phải báo giá như thế nào trước tình hình thị trường vẫn còn nhiều biến động như hiện nay”, anh Tuấn - chủ một DN in lo lắng.

Trao đổi với phóng viên, Công ty Thép Việt cho biết, đã điều chỉnh tăng giá thép vào ngày 18/2. Nguyên nhân: Giá phôi thép nhập khẩu đã tăng lên 700 USD/tấn, góp phần đẩy giá xuất xưởng thép xây dựng của DN hiện ở mức 17,3 triệu đồng/tấn. “Giá thép tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình xây dựng tại thành phố. Điều dễ thấy nhất là chi phí sẽ vì thế mà đội lên.


Các DN đã trúng thầu xây dựng sẽ phải cân nhắc, tính toán như thế nào nhằm tránh gây thiệt hại cho mình nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình”, ông Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường trung cấp Xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đánh giá.

Có nhiều hợp đồng chưa hẳn đã vui, các DN đang lo giải bài toán đầu vào.

Lê Nghĩa