09:16 28/09/2018

Doanh nghiệp muốn cạnh tranh và thành công cần có sự khác biệt

Đây là câu nói “cửa miệng” của hầu hết các chuyên gia lẫn các doanh nhân có kinh nghiệm trên thương trường. Tuy nhiên, sự khác biệt là gì và đến từ đâu lại ít có doanh nghiệp hiểu và thực hiện được.

Tại hội thảo “Khám phá bí quyết tăng trưởng đột phá trong đại dương đỏ” do Trường Doanh nhân Bizlight phối hợp với TV HUB tổ chức ngày 28/9 tại TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Thanh Nam, chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh trái cây nhập khẩu, cho biết việc cạnh tranh kinh doanh ngày càng khó khăn khi có rất nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Đáng lo ngại hơn, rất nhiều trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam với giá rất rẻ.

Chú thích ảnh
Các diễn giả tham gia chia sẻ bí quyết thành công tại hội thảo.

Anh Nguyễn Ngọc Tiên, đại diện Công ty đầu tư xây dựng Hà Tiên, cũng cho biết công ty anh vừa mới thành lập 2 năm, còn nhiều khó khăn về vốn cũng như định hướng kinh doanh vì có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh trong lĩnh vực này, làm thế nào để kêu gọi đầu tư và có thể cạnh tranh với các đối thủ.

Giống như 2 doanh nghiệp trên, rất nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ làm thế nào để tìm được sự khác biệt khi có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng ngành, lĩnh vực; làm thế nào để đột phá và thành công trong kinh doanh trong thời đại công nghệ 4.0… Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn EGroup, một trong những “Shark Tank” Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp ngành nghề nào cũng vậy, muốn cạnh tranh và thành công cần phải xác định doanh nghiệp đang bán gì, nguồn gốc lấy từ đâu, có gì khác biệt so với các doanh nghiệp đang kinh doanh cũng lĩnh vực không, có điểm nhấn nào “độc” và “lạ” hay không.

Ví dụ như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh Nam, “sản phẩm trái cây chị nhập về từ nước nào, có phải là sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ không, có an toàn so với các sản phẩm nhập của doanh nghiệp khác không… Nếu sản phẩm doanh nghiệp thực sự đi theo hướng an toàn hay hữu cơ, có thể tách biệt hướng đi kinh doanh của mình sang thị trường khác, chuyên về sạch và ở phân khúc cao cấp hoặc phân khúc thấp để cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ khác, nơi mà ở đó có ít đối thủ để cạnh tranh…”, ông Thủy chia sẻ.

Chú thích ảnh
"Shark" Thủy chia sẻ bí quyết kinh doanh với các doanh nghiệp startup.

Với trường hợp doanh nghiệp Hà Tiên, ông Mã Thành Danh, thành viên Hội đồng quản trị KIDO Group, Chủ tịch Công ty tư vấn quốc tế CIB cho rằng nếu muốn kêu gọi đầu tư từ Shark Tank, doanh nghiệp đó phải chứng minh được mô hình kinh doanh của mình thành công như thế nào, chiến lược trong các năm tiếp theo và đặc biệt doanh nghiệp phải nói đi với con số bằng chứng cụ thể mà mình làm được. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chọn đúng nhà đầu tư phù hợp để rót vốn đầu tư cho doanh nghiệp mình.

Về sự khác biệt trong kinh doanh, lấy ví dụ từ tư vấn cho Lactea, ông Danh chia sẻ khi bán trà, doanh nghiệp chỉ bán sản phẩm trà mà phải đi vào văn hóa trà, đi tới nơi trồng trà ở Hà Giang, tìm hiểu cách trồng trà, bón trà, thu hoạch trà; từ đó xây dựng nên không gian thực nghiệm về trà, giúp khách hàng khi dùng trà cảm thấy giảm nhẹ nhõm. Đối với những người ở xa xứ, khi thưởng thức vị trà nhớ lại quê hương, nhớ lại kỷ niệm.

“Như vậy, cái thành công là “bán” kỷ niệm, “ bán” kí ức. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp phải biết tận dụng những di sản, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, xuất xứ của nó để mang lại giá trị văn hóa cho sản phẩm, từ đó mới có thể vượt qua ranh giới đại dương đỏ tiến vào đại dương xanh”, ông Danh nói.

Ngoài ra, cách tiếp thị sản phẩm đến thị trường bạn cũng rất quan trọng. Câu chuyện cá basa, cá tra cũng là một ví dụ điển hình. Chuyên gia kinh tế Bùi Văn – Giám đốc nội dung FBNC, cho biết: “Trước đây, Trung Quốc không nhập khẩu mặt hàng này vào nước họ. Tuy nhiên, sau vụ kiện Việt Nam bán phá giá cá basa, cá tra vào thị trường Mỹ, thông tin này được truyền tai nhau ở Trung Quốc. Là một nước sính hàng Mỹ, thấy Mỹ dùng cá basa, cá tra, người dân nước này cũng muốn dùng. Nhờ vậy, Việt Nam đã mở được thị trường cá basa, cá tra vào Trung Quốc”.

Chú thích ảnh
Ông Mã Thành Danh chia sẻ về cách tạo nên sự khác biệt sản phẩm so với các doanh nghiệp đối thủ.

Về việc gọi vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp lo ngại không phải gọi vốn từ Shark Tank là dễ, kể cả vay vốn ngân hàng. Đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, thành công thì ít mà thất bại thì nhiều, theo đó số vốn đầu tư khởi nghiệp cũng dần “bốc hơi” theo số lần thất bại. Trong khi đó, nhiều ngân hàng hiện nay mặc dù muốn cho doanh nghiệp vay cũng khó có thể thực hiện vì không nhiều doanh nghiệp có tài sản thế chấp.

Hiểu được điều này, ông Fred Lim, Giám đốc quốc gia khối Ngân hàng bán lẻ - Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết nếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, nhưng nếu có hàng buôn bán trên sàn thương mại điện tử, ngân hàng sẽ dựa vào dữ liệu data bán hàng của doanh nghiệp để cấp vốn cho vay, coi như đó là tài sản thế chấp của họ.

Tuy nhiên, tìm được điểm khác biệt, huy động được vốn đầu tư, nhưng doanh nghiệp nếu không biết áp dụng công nghệ, không tìm hiểu pháp lý trong kinh doanh thì sẽ có nhiều sự vấp ngã khi tụt hậu về công nghệ so với các đối thủ khác, bị cạnh tranh sở hữu trí tuệ, hay bị tranh chấp về thâu tóm quyền lực, về vốn chủ sở hữu, về gian lận thương mại. Chưa kể, chiến lược kinh doanh cũng rất cần sự tư vấn về pháp lý… Vì thế, chuyên gia kinh tế tài chính TS.LS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng doanh nghiệp muốn thành công, cần phải hội đủ các yếu tố trên. Đây chính là bí quyết tăng trưởng đột phá trong đại dương đỏ.

Hải Yên/Báo Tin tức