05:09 02/05/2014

Doanh nghiệp lao đao vì hàng giả, hàng kém chất lượng

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và những hành vi gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp đã đặt các doanh nghiệp chân chính vào thế khó.

Trong khi nền kinh tế chưa khởi sắc trở lại để tạo đà làm ăn thuận lợi cho các doanh nghiệp, thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và những hành vi gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, càng đặt các doanh nghiệp chân chính vào thế "khó": Khó phát triển sản xuất kinh doanh, khó cạnh tranh và khó bảo vệ cho thương hiệu, sản phẩm của chính mình.


Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai kiểm tra hàng hoá tại chợ. Ảnh: laocai.gov.vn



Thách thức pháp luật


Ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: Năm 2013, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, hàng hóa vi phạm rất đa dạng, tập trung vào các loại hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước, có mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu…Đáng lưu ý, tình trạng hàng giả xuất xứ đang có chiều hướng gia tăng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn ghi là hàng xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong năm vừa qua, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý tới 84.493 vụ vi phạm trên tổng số 161.239 vụ kiểm tra. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách lên tới 328,97 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu là 123 tỷ đồng. Trong đó, các Chi cục đã xử lý 12.711 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm và hàng nhập lậu, 14.008 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm an toàn thực phẩm, 57.774 vụ vi phạm về gian lận thương mại và các vi phạm khác.

Những thông tin vụ việc cụ thể được nêu ra mới thực sự khiến các doanh nghiệp chân chính “giật mình”. Điển hình như vụ việc xác minh làm rõ nguồn gốc, xuất xứ lô hàng trên 400 tấn nguyên liệu thuốc lá của Công ty TNHH Sao Vàng tại Đồng Nai và tịch thu thêm 85 tấn nguyên liệu; QLTT tỉnh Long An đã bắt giữ hơn 377.000 bao thuốc lá nhập lậu trong đợt cao điểm triển khai từ ngày 1/1 – 28/2/2013; QLTT tỉnh An Giang đã kiểm tra bắt giữ 267.400 kg đường cát Thái Lan nhập lậu trị giá 3,7 tỷ đồng chỉ trong quý I/2014; QLTT tỉnh Hưng Yên bắt giữ 300 xe đạp điện làm giả nhãn hiệu Giant-Momentum tại Công ty ô tô xe máy Detech...

Riêng với 2 trong số 4 mặt hàng trọng tâm năm 2013 (gồm gia cầm nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh mũ bảo hiểm, kinh doanh phân bón) có tới 2.232 vụ vi phạm sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm nhập lậu, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa trên tổng số 4.539 cơ sở đã tiến hành kiểm tra. Cùng đó, vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh phân bón cũng tăng tới 31% so với năm 2012, tương ứng với 1.483 vụ vi phạm trên tổng số 4.689 vụ kiểm tra.

Không những vậy, sau khi lực lượng chức năng ra quân thì hiện tượng bày bán công khai mũ giả, mũ kém chất lượng đã giảm, từ cuối năm 2013 tình hình lại có dấu hiệu tái diễn. Với lĩnh vực kinh doanh phân bón, sau những nỗ lực, quyết liệt kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lực lượng QLTT, thì hoạt động kinh doanh phân bón nhập lậu, sản xuất kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả vẫn diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương... Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến các nhà sản xuất chân chính trong nước.

Doanh nghiệp gồng mình ứng phó

Theo Cục QLTT, tuy đạt được số thu cao, xử lý được một số vụ việc có quy mô, tính chất phức tạp, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn của các cấp chính quyền. Lý giải nguyên nhân này, ông Lam cho rằng: Công tác kiểm tra, xử lý giữa các chi cục QLTT tại những địa bàn liên tuyến còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, việc chia sẻ thông tin chưa chủ động kịp thời. Hơn nữa, việc kiểm tra đôi lúc chỉ tập trung vào một số tuyến, một số mặt hàng khiến nhiều tuyến còn lại bị bỏ ngỏ, dễ bị các đối tượng lợi dụng để vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách qui định không rõ ràng chức năng, quyền hạn dẫn đến việc thực hiện rất lúng túng, dễ phát sinh khiếu kiện hành chính trong hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm cũng là một bất cập lớn gây khó khăn cho lực lượng QLTT.

Chia sẻ của ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việ t Nam thì các doanh nghiệp mía đường trong nước đã và đang phải gồng mình ứng phó với đường lậu. Các đối tượng kinh doanh đường lậu luôn sẵn sàng bán ra với giá thấp hơn đường của các doanh nghiệp sản xuất trong nước từ 1.000- 2.000 đồng/kg. Vì thế, đường “nội” không thể cạnh tranh được với đường nhập lậu dù rằng các doanh nghiệp mía đường đã hình thành được những vùng nguyên liệu tập trung, gắn bó với nông dân, duy trì giá thu mua đảm bảo cho người nông dân có lãi.

Đại diện của Tập đoàn Hóa chất nêu rõ, việc sản xuất phối trộn phân bón NPK 3 màu khá phức tạp, nhưng một số nhà đại lý tiêu thụ sản phẩm đã tự mua 3 loại phân lân màu về quấy trộn và đóng bao, đem bán ra thị trường. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân bởi các đại lý này có thể điều chỉnh hàm lượng để với giá cả thế nào họ cũng bán được. Hành vi này gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với ngành sản xuất phân bón NPK, đồng thời gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón có thương hiệu và có uy tín trên thị trường.

Đơn cử như phân bón Bình Điền là một thương hiệu tên tuổi đã được đông đảo bà con nông dân biết đến, nhưng trong năm 2012 cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi phương pháp sản xuất thủ công của các nhà đại lý. Giải pháp mà phân bón Bình Điền thực hiện là chuyển đổi sản xuất phân NPK 3 màu Mộc Hạc bằng cách nghiền cả 3 loại phân ra, trộn lẫn với nhau theo công thức chuẩn rồi bán ra thị trường để tạo sự khác biệt, khẳng định sự cạnh tranh về chất lượng. Tuy nhiên, theo phân tích của lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất thì đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi ngay cả khi doanh nghiệp chân chính đã làm sản phẩm khác biệt như Mộc Hạc hay sản xuất theo bất kỳ cách thức nào khác thì những đối tượng làm nhái vẫn có những “giải pháp” tương ứng. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn là đối tượng phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nông dân về thương hiệu của mình.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, để xây dựng thương hiệu sản phẩm đã khó, nhưng bảo vệ và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn. Do đó, từ năm 1999, May 10 đã tiến hành dán “tem chống hàng giả” vào thẻ bài và đưa “sợi chống hàng giả” vào nhãn dệt chính của sản phẩm. Sợi chống hàng giả này được May 10 làm hợp đồng mua độc quyền của hãng Nike. Trên mọi sản phẩm của May 10 đều có tem chống hàng giả và hướng dẫn cho người tiêu dùng cách sử dụng cũng như phân biệt hàng giả, hàng nhái. Đây là một trong những biện pháp có hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Mặt khác, May 10 thường xuyên tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng, đại lý nhằm phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong hệ thống tiêu thụ của mình.


Uyên Hương