05:14 10/05/2018

Doanh nghiệp kiến nghị không nên quy định taxi chung một màu sơn

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khoản 3 điều 5 trong Dự thảo quy chế của UBND thành phố Hà Nội quy định về màu sơn xe là chưa hợp lý, cần sớm sửa đổi bổ sung, không nên quy định taxi chung một màu sơn.

Ngày 10/5, tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy chế của UBND thành phố Hà Nội về "Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố" do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều đại biểu là doanh nghiệp, chuyên gia và các nhà khoa học... đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong dự thảo Quy chế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp kinh doanh taxi, cũng như để tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, phù hợp với sự phát triển đô thị của Hà Nội.

Các doanh nghiệp taxi kiến nghị không nên quy định taxi chung một màu sơn. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Đặc biệt, các đại biểu đều chung quan điểm cho rằng, khoản 3 điều 5 trong dự thảo quy chế của UBND thành phố Hà Nội quy định về màu sơn xe là chưa hợp lý, cần sớm sửa đổi bổ sung, không nên quy định taxi chung một màu sơn. Cụ thể, theo dự thảo, màu sơn xe taxi sẽ do UBND thành phố quy định. Dự kiến, năm 2018 thống nhất thiết kế màu sơn chung và từ năm 2019 đến năm 2024, xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên toàn địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Dương Cao Thanh, về nội dung màu sơn xe của dự thảo quy chế, các hãng taxi không đồng ý phương án này và đề nghị thực hiện như hiện tại với lý do đưa ra màu sơn xe là đặc điểm nhận diện thương hiệu của mỗi hãng taxi. Các hãng taxi phải mất nhiều thời gian và chi phí để quảng bá nhận diện thương hiệu.

Bên cạnh đó, đối với xe đang kinh doanh taxi chi phí để sơn lại là rất lớn, xe phải dừng kinh doanh, làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí cho xã hội. Đối với xe mua mới, các nhà sản xuất xe ô tô không nhận sơn màu xe theo yêu cầu, khi mua xe doanh nghiệp phải sơn lại làm tăng chi phí của doanh nghiệp và lãng phí cho xã hội.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, các hãng taxi hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, về việc quy định thống nhất màu sơn trong dự thảo quy chế cần xem xét lại.

Bởi hiện tại các hãng taxi trên địa bàn thành phố có 3 màu chủ đạo là xanh, trắng và ghi. Đây là màu nhận diện thương hiệu của các hãng taxi truyền thống được xây dựng trong nhiều năm và rất tốn kém. Do vậy, nên giữ nguyên 3 màu này, còn ngoài 3 màu chủ đạo trên thành phố nên cân nhắc cho thống nhất màu sơn theo dự thảo quy chế. Nếu làm được điều này, sẽ tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh taxi.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và một số đại biểu cũng cho rằng việc đồng nhất màu sơn, sẽ là điều gây bất cập cho các hãng taxi. Vì trong hơn 20 năm qua, màu sơn, lôgô và tem phù hiệu đã góp phần rất quan trọng trong việc có thị phần vận chuyển hành khách của từng hãng, đồng thời tạo nên thương hiệu của taxi truyền thống.

Ông Đinh Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu quan điểm, áp dụng màu sơn chung để làm gì, có lợi gì cho hành khách và các hãng taxi. Hay chỉ để dễ quản lý nhà nước. Nếu thực hiện quy định taxi chung một màu sơn sẽ gây lãng phí, đặc biệt hành khách sẽ khó nhận diện hãng taxi nào phục vụ tốt, hãng nào chưa tốt. Do vậy, dự thảo quy chế cần xem xét bỏ quy định này, vì không cần thiết.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cũng cho rằng, về việc quy định màu sơn thống nhất chưa thể hiện rõ được hiệu quả kinh tế. Mặc dù có thể thể hiện tính thống nhất trong quản lý nhưng mặt trái là làm mất yếu tố cạnh tranh của các hãng và sự nhận diện thuận tiện cho khách hàng (nhận dạng thương hiệu của các hãng). Đề nghị chỉ thực hiện màu sơn nền thống nhất, còn để cho các hãng tự chọn màu nhận diện thương hiệu và nên có quy định rõ về màu, mẫu.

Dự thảo Quy chế về "Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố" gồm 3 chương, 13 điều, trong đó; một số nội dung để đáp ứng yêu cầu quản lý như: quản lý số lượng và chất lượng xe taxi gồm quy định đối với xe taxi, lái xe taxi, quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, quy định đối với hành khách. Mục đích của việc ban hành Quy chế quản lý xe taxi nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với loại hình vận tải này để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân đô thị, phù hợp với sự phát triển đô thị.

Để quản lý hoạt động của xe taxi, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo Đề án đã được phê duyệt, đến năm 2015 số lượng xe taxi của thành phố sẽ phát triển 20.000 xe; đến năm 2020 sẽ phát triển lên 25.000 xe. Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 19.265 xe taxi thuộc quản lý của 77 doanh nghiệp, số lượng xe taxi hoạt động vẫn nằm trong phạm vi Đề án taxi được duyệt.

Nguyễn Thắng (TTXVN)