09:08 06/09/2014

Doanh nghiệp khó, nợ xấu tăng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có nhiều nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng, trong đó có nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ khi tới hạn.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có nhiều nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng, trong đó có nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ khi tới hạn.


Phân loại nợ xấu chặt chẽ hơn


Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2014 và 6 tháng đầu năm nay của các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng cao. Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh và đa phần vượt 3%. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcombank), tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 5,2%, hay Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) là 4,84%, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này của Ocean Bank chỉ là 2,3% và đầu năm là 3,5%. Ngay cả những ngân hàng TMCP lớn như Á Châu, Ngân hàng Quân đội, Ngoại thương Việt Nam thì tỷ lệ nợ xấu cũng vượt ngưỡng an toàn.

 

Khách hàng giao dịch tại Maritime Bank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Tại họp báo Chính phủ tháng 8/2014, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu của hệ thống ngân hàng chiếm 4,17% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013.


Lý giải nợ xấu tăng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng cho rằng: Từ ngày 1/6/2014 các ngân hàng phải phân loại nợ theo tiêu chuẩn mới của NHNN tại Thông tư số 02 và Thông tư số 10/2014/TT - NHNN ngày 20/3/2014 sửa đổi tài khoản trong Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, dư nợ cho vay khách hàng được hạch toán vào 2 tài khoản là nợ trong hạn và nợ quá hạn. Bên cạnh đó, nhiều khoản nợ được phân loại chính xác hơn, đúng bản chất rủi ro nên nhiều nhóm nợ từ diện không bị cảnh báo đã phải “đưa” lên mức nợ có nguy cơ mất vốn.


Bà Hồng cho biết thêm: Mặc dù, Thông tư số 09/2014/TT - NHNN được NHNN ban hành mới đây cho phép các TCTD tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho tới hết 31/3/2015 nhưng với quy định chặt chẽ hơn rất nhiều. Theo quy định của Thông tư này, nội bộ các TCTD phải bảo đảm kiểm tra kiểm soát quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ, báo cáo NHNN với trường hợp cần thiết... Ngoài ra, Thông tư cũng quy định phạm vi phân loại nợ cũng được mở rộng hơn, bao gồm cả đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu có xu hướng gia tăng còn do những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Doanh nghiệp vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh nhưng hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho lớn dẫn đến khó có khả năng trả nợ ngân hàng... Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng cho biết thêm, thời gian qua, các ngân hàng cũng gặp vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Đặc biệt là khâu phát mại tài sản với thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian trong khi đó, thị trường bất động sản chưa phục hồi.


Xử lý nợ xấu không dùng tiền ngân sách


Theo NHNN, một trong các phương án xử lý nợ xấu hiện nay là Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ mua lại nợ của các TCTD, giúp các TCTD có thể làm sạch bảng cân đối của mình và tiếp tục cho vay. VAMC phối hợp với TCTD cơ cấu lại các khoản nợ và có thể giảm lãi suất cho doanh nghiệp, như vậy, bản thân doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc xử lý nợ xấu.


Trước một số ý kiến cho rằng, tiến trình xử lý nợ xấu ngân hàng còn chậm và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) hoạt động chưa thực sự hiệu quả, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC khẳng định: Việc mua nợ xấu của công ty vẫn theo đúng lộ trình. VAMC không đặt mục tiêu mua nợ xấu xong sẽ bán ngay mà còn tham gia phân tích, đánh giá để hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn vị nào có khả năng sản xuất kinh doanh để trả nợ sẽ tiến hành điều chỉnh lãi suất hợp lý hoặc xem xét tiếp tục cho vay vốn để tìm nguồn tiền trả nợ. Với doanh nghiệp có khả năng "chết hẳn", công ty sẽ tiến hành xử lý ngay. Về việc các TCTD bán nợ cho VAMC, đại diện NHNN cho hay: Đến nay, VAMC đã mua được 55.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD và dự kiến đến hết năm 2014 sẽ mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu.


Ngoài trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng đang có chính sách thu nợ, lãi phù hợp để hỗ trợ tăng khả năng trả nợ của khách hàng, giúp giảm tỷ lệ nợ xấu. Việc tăng doanh số cho vay lên cũng là một cách mà ngân hàng này thực hiện để giảm tỷ lệ nợ xấu. TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị DongABank

Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, VAMC là công cụ xử lý nợ xấu phù hợp trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. "Nhiều nước trên thế giới dành ngân sách rất lớn để xử lý nợ xấu, có nơi lên đến 15 - 20% GDP. Nhưng tại Việt Nam, ngân sách còn khó khăn, cơ chế xử lý còn nhiều điểm bất cập. Do đó, xử lý nợ xấu thông qua VAMC là cách thức hợp lý khi nguồn lực ngân sách hạn chế. Giải pháp của VAMC không phải là cây đũa thần mà là giải pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay”, bà Hồng nói.


Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đại diện NHNN cho biết thêm: Trong 8 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục tích cực chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; bản thân các TCTD cũng tích cực xử lý nợ xấu. Số liệu của 6 tháng 2014 cho thấy, các TCTD xử lý được tổng số nợ xấu khoảng 33.000 tỷ đồng, trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản bảo đảm của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.


Bên cạnh đó, NHNN cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, xử lý hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nhất là ban hành văn bản hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm, đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng để tạo điều kiện cho các TCTD thu hồi và xử lý nợ.


Minh Phương