08:23 21/08/2015

Doanh nghiệp hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành. Khi đó hàng hóa, dịch vụ và nguồn nhân lực sẽ được chuyển dịch tự do trong khối ASEAN, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành. Khi đó hàng hóa, dịch vụ và nguồn nhân lực sẽ được chuyển dịch tự do trong khối ASEAN, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Giữ thị trường nội địa


Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì tất cả các nước trong ASEAN sẽ có một thị trường thống nhất gồm hơn 600 triệu dân và GDP khoảng 2.000 tỷ USD. Cơ hội sẽ rất là lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ đối với các DN Việt Nam, đặc biệt là DNVVN. Nguy cơ lớn nhất là thị trường Việt Nam có thể trở thành một vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các DN ASEAN nếu như DN Việt Nam không mạnh lên và sản phẩm của Việt Nam không đảm bảo tính cạnh tranh. Khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN thì nhiều lĩnh vực như bán lẻ, xây dựng, hóa dầu, công nghiệp thực phẩm, năng lượng... sẽ bị cạnh tranh gay gắt. Do đó, bài toán giữ vững thị trường nội địa đang là thách thức với nhiều DN Việt Nam.

Công ty Điện tử Asanzo Việt Nam phát triển thị trường ngách khi hội nhập.


Đứng trước nguy cơ mất thị trường, mất thương hiệu hoặc bị thâu tóm khi AEC được hình thành vào cuối năm nay thì DNVVN Việt Nam phải có nhiều cách để chuyển mình và thích ứng với quá trình hội nhập. Ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam, cho biết: “Mặc dù mới thành lập được hơn 2 năm, nhưng Công ty Điện tử Asanzo Việt Nam phải chọn hướng đi khác để có thể cạnh tranh trên sân nhà, đó là đánh vào thị trường ngách. Theo đó, công ty tập trung phát triển sản phẩm điện tử, điện gia dụng thương hiệu Việt cho người Việt có thu nhập thấp ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Cũng theo ông Phạm Văn Tam, nếu phải tăng quy mô sản xuất cũng như phải “đấu” với các DN có cùng chung lĩnh vực nhưng có thương hiệu lâu năm trên toàn quốc hay trên thế giới, Công ty Asanzo sẵn sàng tìm kiếm đối tác đầu tư để sát nhập. Bởi trong tương lai, đây sẽ là xu hướng tất yếu để cạnh tranh với các đối thủ khác trên sân nhà. “Hiện công ty đã chuẩn bị mọi mặt để đảm bảo tính cạnh tranh như xây dựng đội ngũ nhân lực, năng lực pháp lý, đầu tư dây chuyền hiện đại sản xuất mặt hàng chủ lực... Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng thêm một nhà máy ở phía Bắc để sản xuất các mặt hàng mới và tính toán về khả năng liên kết, hợp tác với các đối tác nước ngoài”, ông Tam chia sẻ.

Cùng chung quan điểm giữ vững thị trường nội địa khi hội nhập AEC, Công ty May quốc tế Thắng Lợi đã tập trung đầu tư mạnh cho phát triển thương hiệu Việt bằng việc chất lượng cao, đa dạng mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Trong đó, sản phẩm chủ lực của công ty là các mặt hàng chăn, gối nội địa với giá thành thấp. Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi, cho biết khi Việt Nam hội nhập, nhiều mặt hàng của chúng ta xuất khẩu đi các nước được miễn, giảm thuế, thì ngược lại hàng các nước nhập khẩu vào Việt Nam cũng được hưởng những ưu thế đó. Do vậy, muốn tồn tại được, các DNVVN phải cải tiến công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến để có năng suất chất lượng cao, thiết kế những mẫu mã đẹp hơn phù hợp từng vùng miền, từng mùa... để có thể tiếp cận được tất cả các thị trường.

Hiện nay, các sản phẩm của Thắng Lợi đã có mặt tại hơn 80% hệ thống các siêu thị lớn trên toàn quốc. Bên cạnh đó, DN đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để mở rộng quy mô, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới, cao cấp hơn để xuất khẩu. Hiện các sản phẩm dệt may của Thắng Lợi đã xuất khẩu vào 3 thị trường lớn gồm: châu Âu, châu Mỹ và một số thị trường khác ở ASEAN.

Chủ động cạnh tranh hơn nữa

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, số DNVVN tự tin "chuyển mình" để hội nhập không phải là nhiều. Theo khảo sát của Delloite về AEC (Deloitte AEC Survey) với lãnh đạo các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á, cứ 5 DN đang hoạt động thì chỉ có 1 DN đã có kế hoạch cho hoạt động kinh doanh của mình khi AEC được hình thành; chỉ có 3% DN được hỏi có phân tích đánh giá về tác động của AEC với DN; 48% DN thiếu kiến thức hoặc không biết đầy đủ về AEC... Tương tự, một cuộc khảo sát trong cộng đồng DNVVN Việt Nam thì có đến 80% DN được hỏi thiếu hẳn kiến thức về hội nhập trong khi đó, cánh cửa hội nhập AEC đang dần mở.

Công ty May quốc tế Thắng Lợi đã tập trung đầu tư mạnh cho phát triển thương hiệu Việt, mẫu mã và giá thành phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam.


Điều đáng lo ngại là trong khi DNVVN vẫn chưa nắm bắt và hiểu hết được cơ hội cũng như thách thức khi Việt Nam tham gia AEC thì nhiều nhà đầu tư đến từ các nước ASEAN đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh thị phần. Cụ thể, liên tiếp hai năm gần đây, hàng loạt DN Thái Lan thâm nhập thị trường Việt Nam, đem theo nhiều sản phẩm gia dụng, đồ nhựa của Thái vào cạnh tranh quyết liệt với ngành nhựa trong nước. Ông Lê Quang Doãn, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất - thương mại Minh Diệu thừa nhận: “Do thiếu tiềm lực cũng như nguồn vốn đầu tư dài hạn nên DN ngành nhựa Việt Nam khó thay đổi công nghệ, mẫu mã sản phẩm. Trên lĩnh vực này Việt Nam đang thua kém các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Indonesia”.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương:

Cần tăng cường truyền thông về thông tin

Cộng đồng kinh tế ASEAN Với các khảo sát cho thấy, một tỷ lệ khá lớn các DN Việt Nam thiếu quan tâm và chưa có nhiều thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Cho nên, thông qua các cơ quan truyền thông, chúng tôi cũng đề nghị chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ hơn. Về mặt vĩ mô, Nhà nước sẽ tạo những thể chế chính sách, các DN cũng phải thay đổi vấn đề quản trị, tái cơ cấu toàn bộ hoạt động của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tận dụng những cơ hội từ hội nhập mang lại nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Hiện Chính phủ cũng đang rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều thể chế chính sách tác động đến từng loại DN như: Cải cách doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển và thay đổi cách chọn lọc liên kết doanh nghiệp FDI...

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh:

Hỗ trợ DNVVN cạnh tranh

Khi cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành thì sự cạnh tranh sẽ diễn ra rất là gay gắt. Chúng tôi nghĩ rằng, việc này cần phải nhanh chóng hỗ trợ DN bằng cách: Thứ nhất là Nhà nước cần phải xây dựng lại pháp luật cạnh tranh của mình, làm thế nào để phù hợp và tương đối hài hòa với pháp luật cạnh tranh của các nước và thứ 2 là cần phải tổ chức các cơ quan quản lý về cạnh tranh để hỗ trợ DN.

Cũng theo ông Lê Quang Doãn, là một trong số ít DNVVN cung cấp nguyên liệu phụ trợ cho ngành da giày, vì thế bản thân DN phải luôn vươn lên để cạnh tranh, vượt qua thách thức bằng cách đầu tư mới dây chuyền sản xuất kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, những máy móc sản xuất của DN vẫn sử dụng công nghệ của Trung Quốc. “Vì vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm hơn nữa chính sách ưu đãi về thuế, về vốn để các DN Việt Nam có thể tiếp tục đầu tư nâng công suất chất lượng hoặc có đủ tiềm lực kinh tế để giữ vững thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, cạnh tranh ngay trong khu vực ASEAN”, ông Doãn nói.

TS Ngô Tuấn Anh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, DN nên chủ động đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, cụ thể là đổi mới hoạt động quản trị DN, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, các DN cần phải phát huy hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tái cấu trúc, đưa các ứng dụng chuyên ngành vào hoạt động sản xuất kinh doanh để giúp tăng cường minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Đồng thời, DN quan tâm và tìm hiểu các tiêu chuẩn, quy định về mẫu mã, bao bì hàng hóa và tập quán kinh doanh của các quốc gia ASEAN, cần có những nhân sự chuyên trách xây dựng và phát triển thị trường. Bởi điều này sẽ giúp DN chuyển từ cạnh tranh về chi phí nhân công thấp và tài nguyên thiên nhiên sang cạnh tranh về lợi thế so sánh của hàng hóa và dịch vụ dựa trên giá trị tri thức, có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, DN cũng cần chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Chủ động thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng là một trong những yếu tố quan trọng bởi về lâu dài sẽ có lợi rất lớn cho DN Việt Nam...

Còn TS. Vương Đức Hoàng Quân, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS) cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của DN cũng cần có sự hỗ trợ của phía chính quyền. Cụ thể, cần xây dựng và hoạch định chính sách phù hợp thích ứng với các hàng rào mới, có biện pháp đối phó với các rào cản không công bằng và vận dụng những rào cản hợp pháp để phục vụ có hiệu quả cho chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình. Song song đó, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan thương mại, dịch vụ và đầu tư... tạo thuận lợi cho các DN trong nước và các DN trong ASEAN hợp tác đầu tư và mở rộng thị trường.

Hải Yên