05:16 12/05/2018

Doanh nghiệp Hà Nội mong sớm cắt giảm thủ tục hành chính như đã cam kết

Ngày 12/5, Diễn đàn Kinh tế Thủ đô – Hội nhập và phát triển 2018 đã được tổ chức nhằm ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp để phán ảnh tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, kịp thời tháo gỡ.

Các doanh nghiệp giao lưu tại Diễn đàn kinh tế Thủ đô 2018.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) cho biết: Ý kiến các doanh nghiệp Thủ đô trong dịp Đại hội doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ 5- nhiệm kỳ 2018-2023, đều mong muốn các cơ quan chức năng cắt giảm thủ tục hành chính như đã cam kết; đồng xây dựng văn hóa viên chức, công chức nơi công sở khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp được nhanh gọn. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp khi đến công sở luôn bị “hành” về thủ tục hành chính.


Diễn đàn Kinh tế Thủ đô 2018 cũng là dịp Hanoisme phổ biến chính sách và thị trường mới cho doanh nghiệp (DN); kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển.


Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Hà Nội cho biết: Tổng số DN trên địa bàn TP Hà Nội là 232.000 DN, bình quân 38 người dân Thủ đô/DN, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 97% số DN trên địa bàn, đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 40% GDP cho thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội vẫn định hướng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.


Tuy nhiên, lãnh đạo Sở KHĐT Hà Nội cũng thừa nhận, với số lượng hơn 97% là nhóm DNNVV, trong đó lại có đến 85 - 90 là DN nhỏ và siêu nhỏ; các vấn đề như vay vốn khó khăn, gặp nhiều phiền toái khi làm thủ tục hành chính đang là câu chuyện cần sớm được tháo gỡ. Điều này dẫn đến các hộ kinh doanh chưa muốn trở thành các loại hình DN như công ty cổ phần, công ty TNHH...


“Nền kinh tế càng phát triển và hội nhập sâu thì ngày càng bộc lộ những điểm yếu và hạn chế của DNNVV. Ngay cả những điểm vẫn được coi là lợi thế của DNNVV như cần ít vốn, cơ động và linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà trước hết là chi phí quản lý, sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào và giá rẻ... thì cũng không còn là lợi thế, thậm chí trở thành bất lợi trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Do đó, Hanoisme đang phối hợp với các bộ, ban, ngành và các sở, ban, ngành của thành phố để tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực tín dụng, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu... tích cực trong công tác xúc tiến thương mại nội khối; kết nối DN tiêu thụ hàng hóa và hướng dẫn DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; tham gia Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.


Hanoisme cũng đặt mục tiêu mỗi năm tổ chức 8 - 10 lớp đào tạo, hội thảo để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các DN và hội viên về Luật Hỗ trợ DNNVV, các chính sách về thuế, lao động tiền lương, các khóa đào tạo chuyên đề CEO, CFO, đẩy mạnh quản trị DN, phát triển thương mại điện tử trong DN, hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố.

XC/Báo Tin tức