04:13 21/04/2017

Doanh nghiệp du lịch sợ cảnh một năm 3 cuộc thanh tra chồng chéo

Ngày 21/4, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) tổ chức Hội nghị tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên.

Ông Ngô Hoài Chung thông tin về chương trình chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên trong năm 2017.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Năm 2017, hoạt đông lữ hành và hướng dẫn viên có vai trò quan trọng trong kết nối các dịch vụ du lịch. Đặc biệt là hướng dẫn viên, không chỉ đại diện cho doanh nghiệp mà còn đại diện cho hình ảnh du lịch địa phương và Việt Nam khi dẫn đoàn khách. 


Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng tour giá rẻ, “chặt chém” giá cả vẫn diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch.


“Do đó, trong thời gian tới, tại các địa bàn trọng điểm du lịch, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương thanh, kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành, hoạt động hướng dẫn để hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ. Thực tế  cho thấy, khi các địa phương cùng vào cuộc chấn chỉnh tour giá rẻ, hay còn gọi là tour 0 đồng, môi trường kinh doanh lành mạnh trong hoạt động đón khách Trung Quốc đã cải thiện đáng kể”, ông Ngô Hoài Chung cho biết.


Để triển khai chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã ban hành bộ “Quy tắc ứng xử văn minh du lịch”, “Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch”, “Kế hoạch công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch”. “Các địa phương sẽ căn cứ vào tình cụ thể của địa phương để có kế hoạch kiểm tra cụ thể, qua đó giảm các hiện tượng nâng giá, chất lượng dịch vụ không bảo đảm. Qua kiểm tra sẽ chỉ ra những điểm yếu và cho doanh nghiệp thời gian để khắc phục. Nếu sai phạm nghiêm trọng hoặc doanh nghiệp không tự khắc phục sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh”, ông Ngô Hoài Chung cho biết.


Góp ý về đợt thanh kiểm tra trong năm 2017, ông Lại Quốc Cường, Giám đốc Công ty du lịch Vẻ đẹp Việt cho rằng: Các doanh nghiệp ủng hộ đợt chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành du lịch. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì các đơn vị quản lý cũng thống nhất, tránh chồng chéo. Đơn cử như năm 2016, doanh nghiệp 2 lần tiếp thanh tra Sở Du lịch địa phương và cuối năm lại tiếp Thanh tra Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch và Sở nên thanh tra các đơn vị yếu kém, thường xuyên bị khách phàn nàn sẽ hiệu quả hơn.


Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ ngày 24/4 sẽ thanh, kiểm tra 20 đơn vị lữ hành không nộp báo cáo tình hình hoạt động trong năm; đồng thời sẽ thanh tra, kiểm tra vào hoạt động hướng dẫn viên tiếng Hàn, tiếng Trung và bán hàng rong chèn ép khách khu vực phố cổ.


Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lào Cai (VHTTDL) cho biết: “Để chấn chỉnh đón khách Trung Quốc. Sở VHTTDL Lào Cai yêu cầu 7 doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc thông qua Hiệp hội lữ hành của tỉnh để điều phối, qua đó không bị ép giá, chất lượng dịch vụ đảm bảo”.


Đại diện các địa phương và doanh nghiệp cho rằng, hoạt động lữ hành liên quan từ khâu vận chuyển, lưu trú, mua sắm… Do đó, trước khi thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ thông báo đầy đủ quy trình tới doanh nghiệp du lịch để tự doanh nghiệp điều chỉnh. Việc xử lý liên ngành sẽ là giải pháp cuối cùng, có như vậy, đợt chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch mới bền vững.


Tin, ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức